Ảnh minh họa: Internet
Nghề nuôi cá cảnh biển đã thu hút được sự quan tâm của người chơi thủy sinh vật cảnh, các nhà nghiên cứu và bảo tồn trong vài thập kỷ trở lại đây. Cá khoang cổ hay còn gọi là cá hề (giống Amphiprion, họ Pomacentridae), với khoảng hơn 30 loài, là nhóm cá được chú ý nhất nhờ khả năng thích nghi cao với điều kiện nuôi, và rất nhiều trong số đó đã được báo cáo sản xuất giống thành công. Cá khoang cổ nemo, Amphiprion ocellaris, là loài được ưa chuộng nhất bởi màu sắc đẹp, tập tính sống cộng sinh độc đáo với hải quỳ và hoạt động bơi vui nhộn. Mặc dù đã đạt được thành công trong việc sản xuất giống nhiều loài trong giống cá khoang cổ nhưng một trong những thách thức lớn hiện nay là con giống sản xuất nhân tạo thường có màu sắc kém hơn nhiều so với nguồn cá tự nhiên. Các biểu hiện dễ nhận thấy thường là màu da nhợt nhạt, tối xạm và kém rực rỡ, trong khi đó, màu sắc là một trong những tiêu chí quyết định giá trị cũng như khả năng chấp nhận của người tiêu dùng đối với một loài cá cảnh biển. Bất chấp những thành công trong sản xuất giống nhân tạo thời gian qua, màu sắc kém của nguồn cá này là nguyên nhân làm gia tăng trở lại áp lực khai thác lên nguồn lợi tự nhiên, gây cạn kiệt nguồn lợi và phá hủy hệ sinh thái rạn san hô, đặc biệt là khi sử dụng các biện pháp khai thác không bền vững. Do đó, việc tìm kiếm các giải pháp tăng cường màu sắc cho cá khoang cổ nói riêng và cá cảnh biển nói chung là hết sức cần thiết nhằm nâng cao giá trị và phát triển bền vững nghề nuôi thủy sinh vật cảnh biển này.
Màu sắc ở cá rất đa dạng và đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng với hoạt động sống của chúng. Đối với cá cảnh, màu da còn có ý nghĩa tăng cường sự hấp dẫn giúp nâng cao giá trị trên thị trường. Màu sắc hiển thị ở cá bị chi phối bởi nhiều yếu tố từ di truyền, kiểm soát thần kinh, nội tiết đến môi trường và dinh dưỡng. Sự thay đổi màu sắc ở cá có thể tuân theo hai cơ chế, là hình thái và sinh lý, dưới tác động của nhiều yếu tố. Dựa vào những hiểu biết đó, một số giải pháp đã được ứng dụng vào sản xuất nhằm tăng cường màu sắc của cá và đã thu được những kết quả tích cực. Trong đó, bổ sung dinh dưỡng là giải pháp được áp dụng phổ biến hơn cả nhờ đơn giản, hiệu quả và ít tác động tiêu cực đến đối tượng nuôi. Tuy nhiên, vấn đề là cần xác định được loại sắc tố và chế độ bổ sung (hàm lượng và thời gian) thích hợp. Carotenoids đã được sử dụng để tăng cường các màu sắc cam, đỏ và vàng ở nhiều loài cá, tôm. Trong số này, astaxanthin, sắc tố tự nhiên, hiện diện với hàm lượng cao ở các loài vi sinh vật và giáp xác, được chứng minh là vượt trội trong việc tăng cường màu sắc nhờ dễ tiêu hóa, hấp thu cùng nhiều lợi ích sức khỏe khác. Đáng chú ý, cá không có khả năng tự tổng hợp các sắc tố kể trên mà phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung từ thức ăn để đạt được màu sắc đặc trưng. Thiếu hụt sắc tố trong khẩu phần ăn là nguyên nhân chính làm cá bị phai màu, nhợt nhạt hay tối sạm. Bởi nhu cầu tăng cường màu sắc của cá nhằm thỏa mãn thị hiếu của người nuôi, các dạng carotenoids khác nhau, cả tự nhiên và tổng hợp, được sử dụng ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, các carotenoids tổng hợp tồn tại nhiều nhược điểm như giá thành cao, hạn chế trong việc tiêu hóa, hấp thu, hiệu quả lên màu, thúc đẩy sức khỏe tổng thể bên cạnh những lo ngại về vấn đề an toàn. Điều này đã thúc đẩy các nhà nghiên cứu tìm kiếm và ứng dụng các nguồn carotenoids tự nhiên vốn có nhiều lợi ích sức khỏe, bên cạnh màu sắc, với đối tượng nuôi.
Nguồn astaxanthin từ giáp xác nói chung, đặc biệt là từ các loài giáp xác chân chèo (Copepoda), đang ngày càng thu hút được sự quan tâm bởi tiềm năng lớn và sẵn có. Tùy theo công nghệ tách chiết, loài, vùng phân bố cụ thể, hàm lượng carotenoids có thể đạt 1.220 mg/kg khối lượng khô (DW), dao động từ 0,14 – 17.200 mg/kg DW. Nằm ở vùng nhiệt đới, Việt Nam có nguồn lợi Copepoda rất lớn, cả thành phần loài và sản lượng. Các loài Copepoda khác nhau, bao gồm Pseudodiaptomus annandalei, đã và đang được ứng dụng làm thức ăn sống trong ương nuôi nhiều loài cá biển. Ngoài carotenoids, Copepoda còn rất giàu các thành phần dinh dưỡng thiết yếu như axít béo không no, axít amin, vitamin C, E, và các chất chống oxy hóa. Việc sử dụng Copepoda trong ương nuôi đã giúp nâng cao sinh trưởng, tỷ lệ sống, biến thái, giảm tỷ lệ dị hình và tăng cường màu sắc ở nhiều loài cá biển. Tuy nhiên, việc sử dụng Copepoda tươi sống cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây suy giảm chất lượng nước và lây nhiễm mầm bệnh. Đồng thời, con giống sản xuất nhân tạo có thể sử dụng không hiệu quả nguồn thức ăn này nếu không được tập cho ăn và cung cấp thường xuyên. Ngoài ra, ở các giai đoạn sau của quá trình ương nuôi, kích cỡ nhỏ của loại thức ăn này có thể không còn phù hợp với cỡ miệng của nhiều loài cá. Do đó, việc sử dụng Copepoda cho đối tượng nuôi trong nỗ lực tăng cường màu sắc và sức khỏe tổng thể thường gặp nhiều khó khăn. Việc tách chiết sắc tố từ loại giáp xác chân chèo này, dưới dạng bán tinh chất, tương tự cách làm với phụ phẩm chế biến tôm, bổ sung vào thức ăn có nhiều ưu điểm như dễ tiêu hóa, hấp thu, tiện lợi trong sử dụng và bảo quản. Mặc dù vậy, cho đến nay, các nghiên cứu về vấn đề này trên cá biển, đặc biệt là nhóm cá khoang cổ, vẫn còn hết sức hạn chế. Nghiên cứu hiện tại được thực hiện nhằm xác định hàm lượng astaxanthin từ Copepoda thích hợp bổ sung vào thức ăn giúp tăng cường màu sắc da và hàm lượng carotenoids tích lũy ở cá khoang cổ nemo. |