Nghiên cứu [ Đăng ngày (30/03/2024) ]
Khảo sát sự sinh trưởng và phát triển của cành ghép hoa giấy thái (Bougainvillea spp.) các màu đỏ, cam, hồng lên gốc ghép hoa giấy thường
Ngành hoa kiểng ở nước ta trong những năm gần đây đã và đang có bước phát triển vượt bậc. Khi mức sống của người dân được nâng lên thì nhu cầu chơi hoa, cây cảnh cũng ngày càng lớn. Vì thế, hoa và cây cảnh không những là sản phẩm mang giá trị tinh thần, mà còn là một ngành kinh tế nông nghiệp sinh thái đô thị mang lại lợi nhuận cao.

1. Vật liệu

Gốc ghép hoa Giấy thường (Bougainvillea spp.) được trồng trong chậu c10 kích thước 25 x 21 x 20 cm khoảng 5 tháng tuổi. Giá thể của gốc ghép: Xơ dừa, rơm mục, trấu sống đã qua xử lý với tỉ lệ là 1:1:1.

Cây hoa Giấy Thái (Bougainvillea spp.) các màu đỏ, màu cam, màu hồng, cây được chọn đã có các cành “bánh tẻ” đủ điều kiện để tiến hành ghép cành.

Phân bón: NPK 16 – 16 – 8, NPK 20 – 20 – 15.

2. Bố trí thí nghiệm

Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên, 1 nhân tố, 4 nghiệm thức, và 4 lần lặp lại. Mỗi lần lặp lại tương ứng với 4 chậu là 4 gốc ghép, trên mỗi gốc ghép sẽ tiến hành ghép 4 cành ghép với các màu khác nhau.

Trong đó:

Nghiệm thức 1: Đối chứng không ghép (cắt tỉa toàn bộ nhánh cành).

Nghiệm thức 2: Ghép cành hoa Giấy Thái màu đỏ.

Nghiệm thức 3: Ghép cành hoa Giấy Thái màu cam.

Nghiệm thức 4: Ghép cành hoa Giấy Thái màu hồng.

3. Phương pháp

Trước khi ghép một tuần cần làm vệ sinh gốc ghép, cắt bỏ bớt cành phụ, gai ở các nhánh cây chọn làm gốc ghép, làm sạch cỏ trong chậu, tưới nước để cây hoa chuyển động nhựa tốt.

Thời gian ghép nên thực hiện vào chiều (khoảng từ 16 – 17 h), thời tiết mát mẻ là thích hợp nhất. Khi ghép, dùng dao sắc cắt cành ngay vị trí cần ghép, chẻ dọc gốc ghép theo chiều từ trên xuống dài khoảng 1,5 - 2 cm. Cắt 1 đoạn cành ghép dài khoảng 5 -7 cm sao cho đảm bảo có từ 2 - 3 mắt ngủ, dùng dao lam vát 2 bên gốc cành ghép. Đưa cành ghép vào phần đã chẻ của gốc ghép sao cho phần vỏ của gốc ghép phải được tiếp xúc với phần vỏ của cành ghép thật khít. Dùng băng keo chuyên dùng buộc thật chặt phần ghép giữa gốc ghép và cành ghép, sau đó dùng túi nilon bọc lại cả cành ghép và mắt ghép để giảm sự thoát hơi nước. Vì cành ghép còn non nên gốc ghép phải được giữ thẳng để không ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cành ghép. Sau khi ghép để các chậu vào chỗ mát tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp đến khi nào ghép bật mầm. Trong giai đoạn này, cây hoa Giấy cần nước nên cần tưới giữ ẩm mỗi ngày, tưới một lần vào lúc chiều mát hoặc sáng sớm.

Từ 20 đến 25 ngày sau khi ghép (SKG), cành ghép đã phát triển ổn định tiến hành tháo bỏ túi nilon, đem cây ra chỗ có ánh nắng mặt trời, lúc này tưới nước thường xuyên. Khoảng 30 ngày SKG bổ sung phân NPK 16 – 16 – 8 hoặc 20 – 20 – 15 (vun gốc 20 – 30 gr/chậu/lần), định kỳ 7 – 10 ngày bổ sung một lần để kích thích cây phát triển, tăng tốc bật mầm.

4. Các chỉ tiêu theo dõi

Chỉ tiêu theo dõi về sự sinh trưởng và phát triển của cây hoa Giấy SKG.

- Tỷ lệ sống của cành ghép hoa Giấy Thái (%): Xác định tỷ lệ bật chồi của cành ghép. Đếm số cành ghép không bị héo và ghi nhận vào lúc 20, 30, 40, 50 ngày SKG theo từng nghiệm thức.

- Số lá của cành ghép: Đếm lá có chiều dài > 0,5 cm.

- Chiều dài cành ghép phát triển (cm): Đo từ cổ cành ghép đến đỉnh sinh trưởng của chồi bằng thước dây.

- Đường kính cành ghép (cm): Đo dưới vị trí ghép 1 cm (đường kính cành ghép), trên vị trí ghép 1 cm (đường kính chồi ghép) bằng thước kẹp, sau đó tính tỷ số đường kính cành ghép/chồi ghép).

5. Phương pháp xử lý số liệu

Số liệu được xử lý bằng phần mềm thống kê SPSS 22.0, phần mềm Microsoft Excel 2010. Phân tích phương sai ANOVA và so sánh sự khác biệt giữa các giá trị trung bình kiểm định bằng phương pháp DUCAN ở mức ý nghĩa 5% và 1%.

6. Kết luận

Cành ghép hoa Giấy Thái màu cam cho tỷ lệ sống, chiều dài và đường kính cành ghép cao hơn so với màu đỏ, màu hồng, nhưng đối với đối chứng không ghép thì không có sự khác biệt.

Không có sự khác biệt về số lá trên cành ghép giữa các màu và đối chứng không ghép.

Tóm lại giữa các nghiệm thức các màu hoa Giấy Thái nên chọn cành ghép màu cam để cho tỷ lệ sống đạt cao nhất, chiều dài của mắt ghép, số lá của mắt ghép và đường kính cành ghép tốt nhất với mục đích cây hoa Giấy ghép đạt các chỉ tiêu sinh trưởng và phát triển đạt tối ưu nhất có thể. Nhưng để cây hoa Giấy có nhiều màu khác nhau thì chọn ghép các màu đỏ, màu hồng trước sau đó mới ghép màu cam từ đó sẽ có được cây hoa Giấy đẹp nhiều màu mà vẫn tối ưu được về các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển. Tuy nhiên, khi ghép cần tăng tỷ lệ chồi ghép hoa Giấy Thái màu hồng vì chồi này có tỷ lệ sống thấp hơn các màu khác để thu được kết quả như mong đợi.

dtnkhanh
Theo Tạp chí Khoa học Đại học Đồng Tháp (tập 13, số 2, năm 2024)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
   
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->