Trong quá trình nhân giống cây cúc đồng tiền, giai đoạn khó nhất là vào mẫu và ra ngôi ngoài vườn ươm. Do đó, giải quyết được 2 bước này sẽ giải quyết được bài toán hiệu quả sản xuất thực tế. Trên thế giới và Việt Nam đã có nhiều công bố về nhân giống in vitro ở các giống cúc đồng tiền khác nhau, tuy nhiên chưa có công bố nào nghiên cứu về việc nhân nhanh và lưu trữ các giống đồng tiền cổ được thu thập ở Việt Nam.
Nghiên cứu này nhóm các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Học viện Nông nghiệp Việt Nam sử dụng nụ hoa non làm vật liệu khởi đầu vào mẫu để nâng cao phẩm chất và khả năng nhân nhanh cây giống nhằm cung cấp lượng cây giống tốt, đồng đều và sạch bệnh. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng góp phần lưu giữ và bảo tồn nguồn gen các giống cúc đồng tiền cánh vàng cổ và cánh hồng cổ.
Nụ hoa cúc đồng tiền được khử trùng kép có, tỷ lệ tạo mẫu sạch lên đến 90% với cúc đồng tiền cánh vàng cổ và 92% với cúc đồng tiền cánh hồng cổ. Với môi trường bổ sung 1,5 mg/l BAP và 2 mg/l TDZ, giống cúc đồng tiền cánh vàng cổ thu được tỷ lệ tái sinh đạt 52,17%, giống cúc đồng tiền cánh hồng cổ thu được tỷ lệ tái sinh đạt 53,85%. Khi sử dụng IBA 1,5 mg/l kết hợp với BA 2 mg/l, giống cúc đồng tiền cánh vàng cổ thu được tỷ lệ tạo chồi là 44,45%, trung bình 5 chồi/mẫu; cúc đồng tiền cánh hồng cổ đạt tỷ lệ tạo chồi 46,15%, trung bình 6 chồi/mẫu. Môi trường có 0,05 mg/l NAA và 0,3 mg/l IBA tạo 6-7 rễ, chiều dài khoảng 2,5 cm; nhiệt độ 20-25oC thích hợp nhất để cho ra rễ ở 2 giống cúc đồng tiền cổ. Cây con sau khi tạo rễ được đưa ra ươm trồng với giá thể gồm 50% cát + 30% đất + 20% trấu hun, tỷ lệ cây sống sau 8 tuần đạt 98,26%, chiều cao đạt 14,8 cm với giống cúc đồng tiền cánh vàng cổ; 99,05%, chiều cao đạt 12,6 cm với giống cúc đồng tiền cánh hồng cổ. |