Nghiên cứu [ Đăng ngày (21/03/2024) ]
Phân tích ngưỡng mưa phát sinh một số trận lũ quét, lũ bùn đá thuộc các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La
Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác giả Vũ Bá Thao, Bùi Xuân Việt thuộc Phòng Nghiên cứu Địa kỹ thuật, Viện Thủy Công, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.

Lũ quét, lũ bùn đá xảy ra ở lưu vực nhỏ phía thượng nguồn lưu vực do tổ hợp xảy ra đồng thời nhiều yếu tố bất lợi, trong đó có ba yếu tố chính: một là lượng nước đủ lớn, thường là do mưa liên tục dài ngày hoặc mưa lớn tập trung; hai là địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, hình thái lưu vực có dạng lòng chảo hay hình chữ U có ba mặt là đồi núi, mặt còn lại là cửa ra lưu vực, thuận lợi tập trung nước; ba là có nguồn vật liệu đất đá dồi dào hoặc điều kiện mặt đệm thuận lợi cho xói mòn, rửa trôi, sạt, trượt dưới tác động của nước mưa [1–5]. Mưa là yếu tố trực tiếp và là yếu tố kích hoạt phát sinh lũ quét, lũ bùn đá, vì nước mưa gây bão hòa đất và chảy tràn trên mặt đất gây xói mòn, rửa trôi, trượt lở, sạt lở [6–9]. Do vậy, hầu hết các quốc gia trên thế giới và Việt Nam sử dụng lượng mưa như là số liệu đầu vào quan trọng nhất để cảnh báo lũ quét, lũ bùn đá [6–14].

Vào thời gian 1994–2000, [4] thông qua phương pháp thống kê đưa ra các ngưỡng mưa sinh lũ quét 100 mm, 120 mm, 140 mm, 180 mm, 220 mm ứng với các thời đoạn giờ mưa 1, 3, 6, 12, 24 giờ. Các nhà nghiên cứu Việt Nam từng bước nghiên cứu và áp dụng hai phương pháp của nước ngoài về cảnh báo lũ quét, lũ bùn đá dựa vào lượng mưa là phương pháp Đường tới hạn - Critical Line (CLL) của Nhật Bản [9, 15–17] và phương pháp cảnh báo lũ quét dựa theo ngưỡng mưa định hướng có khả năng sinh lũ quét - Flash Flood Guidance (FFG) của Mỹ [17–23]. Đây là những phương pháp tiên tiến, có tính ứng dụng cao, tuy nhiên cần có số liệu mưa lịch sử đủ lớn và mật độ trạm đo mưa phù hợp để nâng cao độ chính xác cảnh báo [4–6, 15–26].

Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai. Điều 46 hướng dẫn cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy. Theo đó, căn cứ lượng mưa lũy tích trong 24 giờ đạt các ngưỡng 100–200 mm, 200–400 mm, > 400 mm lần lượt tương ứng với các cấp cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai lũ quét: cấp 1, cấp 2, cấp 3 [27].

Việc cảnh báo đúng thời điểm và vị trí lưu vực khe/suối phát sinh lũ quét, lũ bùn đá vẫn là thách thức đối với thế giới và Việt Nam. Trong điều kiện biến đổi khí hậu với lượng mưa thay đổi cả về hình thái, cường độ, tổng lượng lẫn thời gian. Cùng với đó là mặt đệm, lớp thảm phủ đang bị thay đổi mạnh mẽ bởi mặt trái của quá trình phát triển kinh tế–xã hội khu vực miền núi, khiến ngưỡng mưa sinh lũ cũng thay đổi theo không gian và thời gian. Các nghiên cứu trong và ngoài nước vì thế vẫn phải không ngừng nỗ lực hoàn thiện các phương pháp xác định ngưỡng mưa phát sinh lũ quét để phù hợp với mỗi quốc gia, mỗi vùng và thậm chí mỗi lưu vực khe suối.

Nhằm góp phần từng bước cung cấp thêm cơ sở dữ liệu cho việc điều chỉnh ngưỡng mưa cảnh báo lũ quét, lũ bùn đá sát hơn với thực tế tại một số địa phương miền núi, nghiên cứu này không đi sâu vào nghiên cứu phương pháp xác định ngưỡng mưa sinh lũ quét, mà tập trung phân tích ngưỡng mưa đã phát sinh một số trận lũ quét, lũ bùn đá, đồng thời cũng luận bàn lượng mưa lũy tích của những trận mưa lớn mà không phát sinh lũ quét.

Qua quá trình nghiên cứu, có thể một số kết luận thông qua phân tích 16 trận mưa đã phát sinh lũ quét, lũ bùn đá và 142 trận mưa ở khu vực của 6 trạm đo mưa từ năm 2015 đến 2019, một số phát hiện như sau: (1) Giá trị ngưỡng mưa phát sinh lũ quét, lũ bùn đá chênh lệch rất lớn giữa các lưu vực, biến động phổ biến từ 80 mm đến 240 mm, trong đó có 44% số trận có ngưỡng thấp hơn ngưỡng cảnh báo thấp nhất hiện hành (100 mm); (2) Số lượng trận mưa không làm phát sinh lũ quét, lũ bùn đá, mặc dù có giá trị lượng mưa tích lũy lớn hơn ngưỡng mưa đã từng phát sinh lũ trong lịch sử tại cùng một lưu vực suối, là rất nhiều so với số lượng trận mưa làm phát sinh lũ quét, lũ bùn đá (133 trận không sinh lũ so với 8 trận sinh lũ); (3) Cảnh báo lũ quét, lũ bùn đá chỉ dựa vào các thông số mưa là chưa sát thực tế, đặc biệt là thời điểm và vị trí lũ. Cần kết hợp với điều kiện địa hình, địa chất, thảm phủ và tác động của con người.

Một số đề xuất đối với cảnh báo lũ quét, lũ bùn đá: (1) lựa chọn một phương pháp tính toán thời lượng một trận mưa sinh lũ quét, lũ bùn đá thống nhất chung trong nghiên cứu cũng như ứng dụng thực tiễn tại Việt Nam; (2) nghiên cứu sâu hơn về đánh giá mức độ rủi ro nghẽn dòng, lấp dòng do tổ hợp các yếu tố của lưu vực như: diện tích lưu vực lớn nhưng độ dốc trung bình cao, có nhiều điểm sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, độ dốc lòng dẫn lớn lại có nhiều khúc quanh hay nhiều đoạn bị co hẹp, nhiều cây đổ, gỗ trôi, .... Kết hợp mức độ rủi ro nghẽn dòng và lượng mưa tích lũy để cảnh báo cho phạm vi hẹp như: huổi, khe, suối sẽ tăng mức độ chính xác trong công tác dự báo, cảnh báo lũ quét, lũ bùn đá.

nhahuy
Theo Tạp chí Khí tượng Thủy văn 2023, Tập 749, Số 5: 96-110.
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
   
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->