Nghiên cứu [ Đăng ngày (27/04/2024) ]
Nghiên cứu đánh giá nhu cầu nước vùng đồng bằng sông Hồng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xã hội
Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác giả Trương Vân Anh, Bùi Thị Bích Ngọc, Lê Thị Thường, Nguyễn Tiến Quang thuộc Trường đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Khí tượng Thủy văn 2023, Tập 750, Số 6: 1-12.

Trong những năm gần đây, nền kinh tế - xã hội nước ta đã có những bước phát triển nhanh chóng dẫn đến nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên nói chung và tài nguyên nước nói riêng đều gia tăng, gây áp lực lớn đối với công tác quản lý tổng hợp nguồn tài nguyên thiên nhiên của các lưu vực sông trên toàn lãnh thổ [1]. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu (BĐKH) và các cực đoan khí hậu đã tạo ra các ảnh hưởng lớn lên nguồn nước sẵn có đòi hỏi phải có những cập nhật thường xuyên về nguồn cung cho các nhu cầu sử dụng nước [2–3]. Ngoài ra các các hoạt động của con người trên lưu vực cũng gây nên tác động tiêu cực làm suy giảm nguồn nước và chất lượng nước của hệ thống sông và trong các phân khu sử dụng nước [4]. Xây dựng hồ chứa nước ở thượng nguồn là một trong những giải pháp quan trọng nhằm điều tiết lại nguồn nước theo cả không gian và thời gian phục vụ cho việc khai thác lợi dụng tổng hợp nguồn nước đáp ứng cùng lúc nhiều mục tiêu như cấp nước, phát điện, phòng lũ và bảo vệ môi trường,…[5–7]. Tuy nhiên, do yêu cầu dùng nước của các ngành thường mâu thuẫn nhau nên việc vận hành phân bổ nguồn nước đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các ngành và an toàn cho hạ du cả mùa lũ lẫn mùa kiệt là một yêu cầu khó đáp ứng. Đối với bài toán cấp nước hạ du trong mùa kiệt, tình trạng thiếu nước cho sản xuất và dân sinh cũng như các nhu cầu dùng nước khác trong những năm gần đây ngày càng bộc lộ những mâu thuẫn với các ngành dùng nước khác như phát điện, phòng lũ, đặc biệt ở các vùng như đồng bằng sông Hồng, nơi nhu cầu thủy điện phải đáp ứng được khoảng trên dưới 35% tổng nhu cầu điện quốc gia. Do vậy, nhằm đưa ra cái nhìn tổng quan về nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hỗ trợ ra quyết định cho các cấp quản lý trong phân bổ nguồn tài nguyên nước, cần thiết nghiên cứu tính toán nhu cầu cho các ngành dùng nước trong bối cảnh hiện tại và tương lai dưới tác động của nhiều các yếu tố tác động khác nhau bao gồm cả BĐKH, các hoạt động phát triển KTXH và sự can thiệp của cộng đồng vào nguồn nước.

Trong báo cáo kỹ thuật của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã đưa ra nhận định về tổng lượng mưa có xu hướng gia tăng trên toàn cầu từ nay đến cuối thế kỷ, tuy nhiên nhiều vùng trên trái đất bao gồm khu vực Địa Trung Hải và Nam Phi lại có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề do lượng mưa giảm và bốc hơi nước tăng. Ở Việt Nam, kịch bản BĐKH và nước biển dâng năm 2020 cho thấy lượng mưa năm và lượng mưa mùa được dự tính đều có xu hướng tăng trên hầu hết các vùng miền trong cả nước tuy nhiên số ngày nắng nóng cũng gia tăng dẫn đến các thời đoạn hạn cũng sẽ có nguy cơ tăng, ảnh hưởng đến việc đáp ứng yêu cầu sử dụng nước của các ngành từ nay cho đến cuối thế kỷ [8].

Vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình), với diện tích tự nhiên 2.127.785 ha (chiếm 6,42% diện tích tự nhiên cả nước) [4]. Đây là vùng phát triển kinh tế xã hội trong điểm của cả nước do vậy quy hoạch phát triển vùng cần gắn kết chặt chẽ với quy hoạch và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho phát triển bền vững trong đó có nguồn tài nguyên nước. Dân số vùng ĐBSH cao nhất cả nước, đến hết năm 2020 có 22.543.607 người (chiếm 23,4% dân số cả nước); mật độ dân số là 1.091 người/km2, cao hơn trung bình cả nước 3,66 lần (cả nước: 297 người/km2) [4]. ĐBSH có điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đa dạng, có cả miền núi, trung du và đồng bằng châu thổ là điều kiện cơ bản để phát triển nền sản xuất hàng hóa nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp toàn diện. Do vậy, nhu cầu sử dụng nước vùng ĐBSH là rất lớn, cần có những đánh giá, tính toán chi tiết về yêu cầu sử dụng nước của các ngành dùng nước trong hệ thống nhằm hỗ trợ cho công tác quy hoạch phân bổ hợp lý nguồn tài nguyên phục vụ phát triển bền vững cả vùng.

Để chủ động trong việc quản lý nguồn nước, công tác lập quy hoạch lưu vực sông Hồng đã và đang được thực hiện căn cứ vào các văn bản pháp luật, nghị định [9–11], trong đó nhấn mạnh việc quản lý, điều hòa, phân bổ nguồn nước góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước cho các mục đích khai thác, sử dụng và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên lưu vực sông. Từ đó, các công trình nghiên cứu tính toán nhu cầu sử dụng nước vùng đồng bằng sông Hồng trong bối cảnh BĐKH cũng đang được thực hiện cho một số khu vực hoặc toàn lưu vực sông [12–13] đã được tích hợp trong các công tác quy hoạch và quản lý lưu vực sông ở bước tiếp theo. Tuy nhiên các nghiên cứu này thường sử dụng các kịch bản BĐKH và kế hoạch phát triển KTXH được ban hành trước năm 2020 trong khi xu hướng phát triển KTXH và chất lượng cuộc sống có tốc độ tăng nhanh. Chính vì vậy mà nhu cầu sử dụng nước đang được đánh giá tương đối thấp so với thực tế, điều này dẫn đến việc xây dựng các phương án phân bổ chưa hợp lý giữa các ngành dùng nước trong cùng hệ thống. Năm 2021, một nghiên cứu về nhu cầu nước trong tương lai của các vùng miền trong cả nước đã ước tính tổng nhu cầu nước vùng đồng bằng sông Hồng trong giai đoạn hiện tại là xấp xỉ 14 tỷ m3/ năm [15] tuy nhiên chưa thể hiện được nhu cầu riêng rẽ của từng phân khu sử dụng nước theo hệ thống công trình khai thác tài nguyên nước.

Trong nghiên cứu này, nhu cầu nước sẽ được tính toán cho các phân khu sử dụng nước trên toàn vùng trong giai đoạn hiện trạng (2020) và dự báo nhu cầu nước trong tương lai (giai đoạn 2030-2050) có kể đến sự tác động của BĐKH và định hướng phát triển KTXH của toàn vùng, trong đó các đối tượng sử dụng nước khác nhau trong từng phân khu bao gồm ngành nông nghiệp, công nghiệp, thủy sản, sinh hoạt được xem xét.

Qua quá trình nghiên cứu, kết quả tổng quan về khu vực nghiên cứu và phương pháp tính toán nhu cầu sử dụng nước ĐBSH trong bối cảnh BĐKH năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kịch bản RCP8.5 được sử dụng trong nghiên cứu này do sự chênh lệch giữa 2 kịch bản RCP 4.5 và 8.5 đến giữa thế kỷ là không lớn.

Kết quả nghiên cứu cho thấy hiện nay tổng lượng nước khu vực ĐBSH được sử dụng cho các ngành kinh tế chính gồm: Cấp nước sinh hoạt (đô thị và nông thôn), cấp nước cho sản xuất công nghiệp, cấp nước cho tưới nông nghiệp, nước cho nuôi trồng thủy sản. Nhu cầu sử dụng nước trong tương lai có xu hướng, tuy nhiên ứng với từng giai đoạn và kế hoạch phát triển KTXH thì nhu cầu sử dụng nước cũng thay đổi theo. Cụ thể như sau:

Tổng nhu cầu sử dụng nước khu vực ĐBSH năm 2020 là xấp xỉ 13,118 tỷ m3, năm 2030 là xấp xỉ 14,523 tỷ m3, đến năm 2050 là vào khoảng 14,307 tỷ m3.

Với định hướng phát triển kinh tế xã hội của khu vực ĐBSH giai đoạn 2030-2050 đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản và công nghiệp sản xuất, do vậy so với giai đoạn 2020- 2030 nhu cầu nước cho nông nghiệp, thủy sản có xu hướng giảm, trong khi nhu cầu cho sinh hoạt và công nghiệp tăng.

Với dự báo nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng kết hợp quá trình BĐKH với những kịch bản bất lợi (nhiệt độ có xu thế tăng, lượng mưa giảm, nước biển dâng) đặt ra những thách thức trong công tác quản lý, phân bổ, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu hụt nguồn nước trong tương lai.

Tạp chí Khí tượng Thủy văn 2023, Tập 750, Số 6: 1-12.
Theo nhahuy
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
   
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->