Các thiết bị IoT cũng có thể được sử dụng để kiểm soát khí hậu nhà kính, giám sát cây trồng, bón phân chính xác và các nhiệm vụ khác
Theo Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Chang Lih Kang, các trang trại của Malaysia trong tương lai có thể được trang bị cảm biến điều khiển từ xa, máy bay không người lái và robot để giám sát, tưới nước và bón phân cho cây trồng khi nước này tìm cách tăng cường an ninh lương thực.
“Các trang trại có thể sử dụng IoT để kiểm soát mọi thứ từ độ pH của đất đến nhiệt độ và độ ẩm. Họ thậm chí có thể làm nông nghiệp đường dài. Giả sử bạn đang ở nhà, bạn có thể xem tất cả các chỉ số trên điện thoại của mình để có thể kiểm soát nó. Mọi thứ đều rất chính xác; không hề có sự lãng phí”, ông Chang Lih Kang nói.
Robot và máy bay không người lái có thể cung cấp các phương pháp thông minh hơn và bền vững hơn để tự động hóa hoạt động nông nghiệp và tăng năng suất cây trồng và vật nuôi đồng thời giảm mức sử dụng nước, năng lượng và lao động.
Nhằm mô phỏng sự thành công của một trang trại aquaponic không dùng thuốc trừ sâu thuộc sở hữu tư nhân nuôi cá rô phi, trồng rau diếp và rau bina hữu cơ ở Perak bằng cách sử dụng IoT, chính phủ đang thực hiện 3 dự án thí điểm tương tự ở bang Perak và Johor.
Họ hy vọng rằng, việc sử dụng IoT trong nông nghiệp - nơi các thiết bị kết nối Internet giám sát và thực hiện các nhiệm vụ tại các trang trại sẽ trở nên phổ biến hơn và giúp giải quyết các vấn đề an ninh lương thực.
“Tôi nghĩ đó là con đường phía trước, đặc biệt khi chúng ta đang nói về an ninh lương thực. Khi nói đến an ninh lương thực, đó không chỉ là nguồn cung cấp thực phẩm mà đồng thời còn là chất lượng thực phẩm; liệu nó có an toàn để ăn hay không”, ông Chang Lih Kang nói thêm.
Các công nghệ khác đang được thử nghiệm bao gồm các giải pháp rút ngắn thời gian thu hoạch cũng như tăng năng suất và khả năng phục hồi trước sâu bệnh. Tuy nhiên, một trở ngại có thể là chi phí ban đầu cao.
Đối với một trang trại rộng khoảng 930m2, hệ thống IoT ước tính có giá khoảng 50.000 RM (15.000 đô la Singapore), không bao gồm các yêu cầu khác như hạt giống và nhà kính, tất cả những yêu cầu này có thể khiến người nông dân phải trả khoảng 500.000 RM.
Giống như nhiều quốc gia khác, Malaysia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm thiết yếu, mặc dù có nhiều đất đai và tài nguyên. Một số vấn đề mà ngành nông nghiệp phải đối mặt bao gồm tình trạng thiếu lao động, mức độ tự động hóa và áp dụng công nghệ thấp cũng như sự phụ thuộc cao vào lao động nước ngoài.
An ninh lương thực hiện là ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới. Trong vòng 2 đến 7 năm tới, Malaysia hy vọng sẽ nâng sản lượng cá từ nuôi trồng thủy sản từ 26% tổng sản lượng cá lên 60%. Nước này cũng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ tự cung cấp thịt bò của đất nước lên 50% vào năm 2025. Nhập khẩu thịt bò của Malaysia hiện chiếm 82% nhu cầu.
Để bổ sung cho những nỗ lực này, Kế hoạch chi tiết ngành ngô ngũ cốc quốc gia đặt mục tiêu tăng cường sản xuất ngô làm thức ăn chăn nuôi lên 600.000 tấn trong vòng 10 năm tới, nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu tới 30%. Malaysia hiện nhập khẩu gần 100% ngô ngũ cốc, tương đương khoảng 2 triệu tấn mỗi năm, từ các nước như Argentina, Brazil và Mỹ.
Bộ trưởng Nông nghiệp và An ninh Lương thực Mohamad Sabu cho biết, chính phủ đã xác định 400ha đất cho mục đích này và sẽ khuyến khích nhiều thanh niên trở thành nông dân hoặc tốt nghiệp ngành nông nghiệp thông minh cũng như nghiên cứu và phát triển.
“Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm đã được đổi tên thành Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực để cho thấy mức độ nghiêm túc của chính phủ đối với an ninh lương thực. Chính phủ mới cam kết đảm bảo khả năng tiếp cận đủ lương thực với giá cả hợp lý cho người dân vào thời điểm đất nước đang phải đối mặt với lạm phát lương thực”, ông Mohamad Sabu nói.
Kế hoạch hành động chính sách an ninh lương thực quốc gia 2021-2025 và Chính sách nông sản quốc gia 2021-2030 đang được thực hiện như một phần trong nỗ lực thúc đẩy sản xuất lương thực bằng việc áp dụng công nghệ hiện đại và tính kinh tế theo quy mô. Chính phủ cũng tìm cách tăng cường chuỗi giá trị thực phẩm và khuyến khích các hoạt động nông nghiệp bền vững.
“Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi vẫn là tăng sản lượng lương thực địa phương và tỷ lệ tự cung tự cấp của các sản phẩm lương thực chính (gạo, rau, trái cây, thịt gà, thịt bò, trứng, sữa và cá), đồng thời, chúng tôi cũng đang tìm cách đa dạng hóa nguồn nhập khẩu thực phẩm để đáp ứng nhu cầu trong nước”, ông Mohamad nói thêm. |