Cần Thơ là thành phố trung tâm, phát triển bậc nhất miền Tây Nam Bộ, có khoảng hơn 4000 ha trồng rau màu, nơi đây tập trung đông đúc dân cư và có lượng rác thải sinh hoạt khổng lồ mỗi ngày với khoảng 930 tấn (Cục thống kê thành phố Cần Thơ, 2016). Trong đó, 83,6% là rác hữu cơ dễ phân hủy.
ở Việt Nam, các nghiên cứu sử dụng vi sinh vật (VSV) tổng hợp acid lactic để khử mùi hôi, phân hủy rác thải hữu cơ để làm phân bón hữu cơ cho cây trồng, đặc biệt là trong canh tác rau sạch và an toàn còn nhiều hạn chế. Trong khi ở Việt Nam lượng rác thải hữu cơ hằng năm thải ra môi trường một lượng rất lớn nhưng chưa được xử lý phù hợp dẫn đến ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, phân bón vi sinh cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng bởi vì các đặc tính như thân thiện với môi trường sinh thái và cải thiện hiệu quả đặc tính lý-hóa-sinh học đất, đồng thời vẫn đảm bảo thậm chí góp phần gia tăng năng suất cây trồng so với biện pháp canh tác chỉ sử dụng phân bón hóa học. Vì vậy, biện pháp ứng dụng phân vi sinh cho canh tác cây rau như là bước đi hiệu quả trong canh tác rau sạch tại thành phố Cần Thơ. Vì vậy đề tài “Nghiên cứu sản xuất chế phẩm vi sinh để tạo phân bón hữu cơ từ phế thải rau củ quả trong phát triển canh tác rau sạch” được thực hiện nhằm tạo ra một loại phân bón hữu cơ vi sinh từ nguồn rác thải hữu cơ rau củ quả trong khu vực thành phố Cần Thơ với sự hỗ trợ của chế phẩm vi sinh chứa vi khuẩn acid lactic nhằm phục vụ canh tác rau sạch và an toàn khu vực thành phố Cần Thơ.
Nhóm tác giả đã nghiên cứu được sáu dòng VSV acid lactic trong nghiên cứu này có khả năng tổng hợp acid lactic cao dao động từ 777 đến 18.343 mg/L, đối kháng tốt với nấm bệnh Fusarium oxysporum và Rhizoctonia solani, kích thích gia tăng tỷ lệ nảy mầm hạt rau muống, hạt cải xà lách, kích thích chiều cao cây, chiều dài rễ, đường kính thân và sinh khối khô cây mầm của 2 loại rau này và đặc biệt chúng không ức chế lẫn nhau khi tổ hợp trong một môi trường sống.
Công thức môi trường nuôi cấy 5% MR + 1% SM và 5% MR + 1% ST cho mật số VSV tổng hợp acid lactic và nồng độ acid lactic tổng hợp cao nhất và giúp chế phẩm vi sinh duy trì được mật số > 108 CFU/ml sau thời gian bảo quản chế phẩm 6 tháng và đạt yêu cầu so với quy định về sản xuất chế phẩm vi sinh.
Nghiệm thức ủ phân bò + rác thải hữu cơ (1:1; w/w) xử lý với chế phẩm CPNT6 (5% MR + 1% ST) vào 2 thời điểm 0 và 15 ngày sau khi ủ với liều lượng 106 FU/g rác giúp phân hủy nhanh rác thải hữu cơ đồng thời đạt yêu cầu về hàm lượng dinh dưỡng của phân hữu cơ.
Bón PHC thành phẩm (10 tấn/ha) từ rau củ quả với chế phẩm vi sinh CPNT6 (xử lý 2 lần vào 0 và 15 ngày) một lần vào đầu vụ 1 cho cả 3 vụ thí nghiệm giúp thay thế 50% lượng NPK hóa học khuyến cáo cho cây xà lách và giúp năng suất cải xà lách tăng trung bình 18-22% trong 3 vụ rau liên tiếp đồng thời giúp giảm 21% đến 80% hàm lượng nitrate trong rau và đạt ngưỡng an toàn cho người sử dụng theo tiêu chuẩn TCVN. Ngoài ra bón PHC còn giúp tăng pH đất và tăng đa dạng thành phần vi khuẩn trong môi trường đất.
Qua đó, nhóm nghiên cứu đã kiến nghị cần tiếp tục thử nghiệm đánh giá hiệu quả của PHC từ rác thải lên các đối tượng cây rau khác cũng như lên đặc tính đất và hiệu quả của nó trong việc làm giảm nitrate tồn dư trong rau nhằm phát triển rau an toàn ở khu vực TP. Cần Thơ và ĐBSCL.
Bạn đọc có thể tìm đọc toàn văn kết quả nghiệm vụ KH&CN tại Trung tâm Thông tin KH&CN Cần Thơ (CASTI). |