Hội chứng ấu trùng di chuyển ở người (ascarid larva migrans syndrome-ascarid LMS) là sự di hành của ấu trùng nhóm giun đũa trên cơ thể người bao gồm giun đũa chó Toxocara canis, giun đũa mèo Toxocara cati và giun đũa lợn Ascaris suum. Mặc dù đã được báo cáo từ thập kỷ 50-60 của thế kỷ trước, nhưng hội chứng này mới được cộng đồng người Việt chú ý gần đây. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới chỉ đề cập đến hai tác nhân gây bệnh chính là T. canis và T. cati, chưa có báo cáo nào về vai trò của A. suum gây bệnh trên người ở Việt Nam.
Tình trạng người bị nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo được báo cáo ở nhiều nơi trên cả nước với tỷ lệ dương tính dao động từ 15,75% đến 85,3%. Chẩn đoán hội chứng ấu trùng di hành trên người nói chung và toxocariasis nói riêng chủ yếu dựa vào kỹ thuật hấp phụ miễn dịch có gắn enzyme như ELISA (enzyme linked inmunosorbent assay) và kỹ thuật lai protein (Western Blot) để xác định kháng thể đặc hiệu đối với mỗi loại giun tròn này. Các kỹ thuật này sử dụng kháng nguyên chuẩn là kháng nguyên chất tiết (Excretory/Secretory - ES) của ấu trùng ở giai đoạn gây nhiễm của giun đũa chó T. canis và giun đũa lợn A. suum. Các kháng nguyên này có độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao trong chẩn đoán. Tuy nhiên, quy trình sản xuất kháng nguyên này rất phức tạp và tốn thời gian, bao gồm một số bước chính như: (1) thu trứng từ tử cung của giun trưởng thành, (2) nuôi trứng phát triển đến giai đoạn có chứa ấu trùng gây nhiễm (ấu trùng giai đoạn 3), (3) kích nở trứng để thu ấu trùng, (4) nuôi ấu trùng trong môi trường thích hợp, (5) thu kháng nguyên chất tiết của ấu trùng từ môi trường nuôi. Trong đó bước nuôi trứng phát triển đến giai đoạn gây nhiễm đóng vai trò rất quan trọng vì số lượng ấu trùng thu được sẽ quyết định nồng độ kháng nguyên.
Hai môi trường được sử dụng rộng rãi để nuôi trứng T. canis là formol và acid sunfuric loãng. Formol được sử dụng ở các nồng độ khác nhau, bao gồm formol 1%; formol 2%; formol 4%. Ngoài ra acid sunfuric loãng (H2SO4 0,1N) cũng được sử dụng để nuôi trứng. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào so sánh về sự phát triển ở các môi trường của trứng. Vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện để đánh giá hiệu quả của các môi trường nuôi đến sự phát triển của trứng giun đũa chó T. canis, đặc biệt là tỷ lệ phát triển của trứng đến giai đoạn chứa ấu trùng gây nhiễm. Từ đó lựa chọn được môi trường tốt nhất cho sự phát triển của trứng giun đũa chó T. canis nói riêng và trứng giun tròn nói chung.
Chẩn đoán toxocariasis trên người do Toxocara spp. chủ yếu dựa vào kỹ thuật ELISA sử dụng kháng nguyên chất tiết từ ấu trùng gây nhiễm (ATGN) của T. canis. Quy trình sản xuất kháng nguyên này được thực hiện qua nhiều bước, trong đó bước nuôi trứng T. canis đến giai đoạn chứa ATGN là quan trọng nhất. Trong nghiên cứu này chúng tôi nuôi trứng T. canis thu từ tử cung của giun trưởng thành ở giai đoạn một tế bào đến giai đoạn chứa ATGN trong các môi trường khác nhau. Kết quả thu được như sau: Tỷ lệ phát triển của trứng T. canis đến giai đoạn chứa ATGN cao nhất khi nuôi trong môi trường H2SO4 0,1N (83,31%). Bên cạnh đó, tỷ lệ phát triển của trứng T. canis đến ATGN trong formol 1%, formol 2% và formol 4% lần lượt là 73,33%; 71, 05% và 68,61%. Như vậy, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng môi trường H2SO4 0,1N là môi trường thích hợp nhất cho sự phát triển của trứng T. canis.
|