Nghiên cứu do nhóm tác giả gồm Phạm Hồng Trang (Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Nguyễn Thị Huyền (Phòng khám HanvetPet), Võ Văn Hải, Trần Văn Dũng (Hệ thống phòng khám Thú y 2VET), Đặng Trần Mạnh (Phòng khám PET 24H), Hà Xuân Bộ (Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Vũ Đức Hạnh, Phạm Hồng Thanh và Lại Thị Lan Hương (Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) thực hiện.
|
Bệnh giảm bạch cầu mèo (Feline panleukopenia - FPL) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm trên tất cả các đối tượng mèo. Bệnh gây ra bởi giống virus giảm bạch cầu mèo (FPLV) thuộc họ Parvovirus (NCBI). Virus này có mối quan hệ gần với giống Parvovirus gây bệnh trên chó (Canine parvovirus - CPV) chỉ với sự khác biệt dưới 2% trong cấu trúc gen. Thí nghiệm nuôi cấy in vitro và in vivo cho thấy virus thuộc họ Parvo có khả năng thích ứng ký chủ - gây nhiễm chéo. Vì vậy, sự phân loại virus thuộc họ này chủ yếu dựa trên vật chủ hay nguồn phân lập của loại virus đó.
FPLV được lây truyền đường phân - miệng thông qua tiếp xúc trực tiếp với các loại dịch tiết và phân của vật bệnh hoặc vật trung gian có chứa mầm bệnh. Thời gian thải virus của mèo có thể bắt đầu từ vài ngày sau nhiễm bệnh và kéo dài tới 6 tuần, đây chính là nguồn bệnh quan trọng dẫn tới sự lây nhiễm nguy hiểm bởi loại virus này có khả năng tồn tại rất lâu trong môi trường nếu không được áp dụng các biện pháp tiêu độc, khử trùng triệt để. Bệnh chủ yếu tác động đến nhóm mèo dưới 1 năm tuổi, tuy nhiên mèo không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ cũng có thể nhiễm bệnh. Bệnh thường được phát hiện ở thể cấp tính với các triệu chứng như sốt cao, ủ rũ, chán ăn, nôn và có thể có tiêu chảy lẫn máu. Chết cấp tính chủ yếu do mất nước trầm trọng và nhiễm trùng kế phát. Các phương pháp chẩn đoán bệnh dựa trên lịch sử bệnh, khám nghiệm lâm sàng, xét nghiệm công thức máu (bạch cầu) và xét nghiệm ELISA phân.
Cùng với sự phát triển của lối sống đô thị, đặc biệt như tại Hà Nội, xu hướng nuôi thú cưng trong đó có mèo ngày càng trở nên phổ biến và tăng nhanh về số lượng cũng như chủng loại. Tuy nhiên, kiến thức phòng bệnh bằng vacxin của người nuôi thường không được cập nhật mà chủ yếu được biết qua bác sỹ thú y khi vật nuôi của họ mắc bệnh và cần đến sự can thiệp chuyên biệt. Điều này là một nguyên nhân dẫn tới sự lây lan rộng rãi của một bệnh nguy hiểm như giảm bạch cầu mèo mà phương pháp phòng bệnh duy nhất là tiêm vacxin và nhắc lại đầy đủ mới có thể cung cấp sự bảo hộ toàn diện. Trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng phương pháp điều tra hồi cứu kết hợp với khám nghiệm lâm sàng các ca bệnh có phản ứng dương tính với test nhanh FPV tại hệ thống phòng khám trên địa bàn Hà Nội, nhằm cung cấp cái nhìn toàn diện về dịch tễ học và các triệu chứng lâm sàng đặc trưng giúp cho công tác chẩn đoán nhanh và chính xác hơn.
Kết quả phân tích dịch tễ cho thấy tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là ở mèo nội (58,76%), mèo ngoại (27,84%) và thấp nhất là mèo lai (13,40%). Mèo dưới 1 năm tuổi là đối tượng mẫn cảm nhất với virus gây bệnh giảm bạch cầu mèo (84,88%). Tỷ lệ mắc bệnh ở mèo đực (62,32%) cao hơn so với mèo cái (37,68%) và mèo nuôi thả có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn so với mèo nuôi nhốt (61,05 và 38,45%). Các triệu chứng lâm sàng đặc trưng của FPL bao gồm nôn mửa (76,76%), chán ăn đến bỏ ăn (72,72%), sốt (66,66%), tiêu chảy phân lẫn máu (64,64%) và ủ rũ, mệt mỏi (51,51%).
Những kết quả phân tích trên đây cung cấp dữ liệu hữu ích cho công tác chẩn đoán nhanh, từ đó có thể giúp bác sỹ thú y thực hành đưa ra được các phương án điều trị kịp thời và hiệu quả bệnh giảm bạch cầu trên mèo. |