I. CÁC NGUYÊN NHÂN GÂY BÍ TIỂU TRÊN MÈO
Mèo đực thường hay bị chứng tắc nghẽn đường niệu đoạn từ bàng quang đến ra khỏi dương vật. Nguyên nhân thường do các chất cặn bã tạo ra trong quá trình viêm, chất nhầy niêm mạc bong tróc, tinh thể sỏi nhỏ đã hình thành trong thận và đọng lại tại bàng quang. Nguyên nhân chính xác của quá trình viêm và hình thành sỏi niệu này vẫn đang được tìm hiểu bởi các nhà khoa học, ngoài ra việc nhiễm virus, chế độ ăn, uống cũng góp phần làm cho nguy cơ mắc bệnh tăng lên. Các nguyên nhân khác được báo cáo như ung thư niệu đạo, chấn thương trước đó gây ra sẹo trên đường tiểu dẫn đến dễ tắc nghẽn cũng là một trong những yếu tố góp phần làm hội chứng bí tiểu gia tăng gần đây.
II. NHỮNG DẤU HIỆU NHẬN BIẾT CHỨNG BÍ TIỂU TRÊN MÈO
Hầu hết những con mèo bị chứng bí tiểu thường ở tuổi 1 -10. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng. Ban đầu mèo có thể có dấu hiệu viêm đường tiểu: đi tiểu nhiều lần, khó chịu cáu gắt, rặn khi đi tiểu, tiểu ra máu, đau rên la khi đi tiểu và thường tiểu không đúng chỗ (đi tiểu bên ngoài hộp cát).
Những cơn bí tiểu này có thể sẽ qua trong vòng 5 - 7 ngày nếu bị lần đầu (mèo có khả năng che dấu bệnh và tự hồi phục cao gấp 10 lần so với chó), nhưng những con mèo này sẽ tái phát lại trong vòng 6 -12 tháng sau và sẽ trầm trọng hơn; lúc này sẽ bí tiểu hoàn toàn, mèo cố gắng rặn vẫn không ra giọt nước tiểu nào, sờ vào bụng dưới thấy có khối tròn như trái cam nhỏ căng cứng, đau đớn. Trước đó, mèo kêu rên, lăn lộn không ngừng hoặc trốn tránh vì khó chịu và cuối cùng mất cảm giác ngon miệng, bỏ ăn và trở nên lờ đờ, suy sụp, hôn mê nếu sự tắc nghẽn kéo dài từ 3-6 tiếng mà không được thông tiểu. Mèo có thể chết do ngộ độc urê hay do bàng quang bị vỡ vì căng quá mức.
III. MỘT SỐ NGUYÊN NHÂN LÀM GIA TĂNG BÍ TIỂU TRÊN MÈO
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ chứng bí tiểu trên mèo đã được nghiên cứu, gồm: ăn thức ăn khô mà ít uống nước; bị nhốt ít vận động, có hành vi lo lắng/sợ hãi/hung dữ, căng thẳng (stress trong chăm sóc), nuôi nhiều giống mèo khác nhau trong một nhà, có ảnh hưởng theo mùa (mùa đông bị nhiều nhất). Ngoài ra chứng viêm bàng quang mạn tính cũng làm gia tăng hội chứng này trên mèo, bệnh chiếm tỷ lệ cao trên mèo đực, hay chứng túi thừa bàng quang (vesicourachal) cũng làm gia tăng hội chứng này. Bệnh cũng gặp ở trên những mèo già bị tiểu đường đi tiểu nhiều lần gây viêm nhiễm đường tiết niệu làm tăng hội chứng này.
IV. CHẨN ĐOÁN CHỨNG BÍ TIỂU TRÊN MÈO
Khi thấy mèo có dấu hiệu viêm đường tiết niệu: bàng quang căng, đi tiểu khó khăn, rặn tiểu… bạn nên mang mèo đến bệnh viện thú y có đầy đủ trang thiết bị để được chăm sóc, chữa trị kịp thời, để làm các xét nghiệm nước tiểu để xem có tinh thể cặn lắng, nồng độ glucose, ketone, protein, bạch cầu…, xét nghiệm máu để đánh giá mức độ nhiễm trùng máu, chức năng thận, gan, tim và tầm soát ung thư niệu đạo, siêu âm để xem túi thừa bàng quang, đo thành bàng quang để xác định hội chứng viêm bàng quang mạn tính, hay cho chụp X-quang để xem bàng quang có sỏi, khối u gây tắc nghẽn hay không. Đó là một loạt các xét nghiệm mà con mèo của bạn có thể sẽ trải qua để tìm nguyên nhân chính xác gây tắc niệu đạo và mỗi nguyên nhân tương ứng có một cách chữa trị khác nhau.
Vì đây là hội chứng khẩn cấp, bạn cần phải giải phóng ngay lượng nước tiểu từ bàng quang và tìm ra nguyên nhân một cách nhanh chóng, chính xác mới có thể thoát chết trong vòng 3-6 giờ khi mèo không tiểu được, do đó chọn lựa bệnh viện đầu tiên là điều quan trọng nhất. Một nơi phải đầy đủ tiện nghi, giải quyết trọn vẹn hết các vấn đề của chứng bí tiểu này, nên tránh trường hợp hay gặp ở một số phòng khám khi tìm ra được nguyên nhân nhưng bác sỹ thú y (BSTY) không thể đặt được cây thông tiểu vào niệu đạo hay không có cây thông tiểu chuyên cho mèo mà dùng cây tự chế gây tổn thương trong quá trình đặt và không giải quyết được triệt để, hôm sau lại bí tiểu lại thông tiếp gây đau đớn, viêm nhiễm, lở loét cho mèo. PetPro là một trong những bệnh viện lớn hiếm hoi có khả năng xử lý tốt những ca mèo bị hội chứng này.
V. ĐIỀU TRỊ CHỨNG BÍ TIỂU TRÊN MÈO
Mèo bị tắc nghẽn đường tiết niệu cần điều trị tối khẩn cấp. BSTY sẽ dùng thuốc an thần, hoặc gây mê, gây tê để đặt ống thông vào niệu đạo là việc cần làm ngay, sau đó mới tiến hành xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, siêu âm, X-quang. Sau khi lấy được hết nước tiểu từ bàng quang ra, kỹ thuật viên sẽ bơm nước muối sinh lý rửa bàng quang nhiều lần cho đến khi nước chảy ra trong như nước bơm vào, ống thông tiểu sẽ được khâu đính lại để giữ cho việc đi tiểu được thông suốt trong 5-7 ngày. Sau khi rút ống thông tiểu, mèo vẫn sẽ được BSTY đánh giá theo dõi thêm 1-2 ngày để đảm bảo rằng nó có thể đi tiểu thông suốt trước khi được xuất viện.
Trong quá trình lưu trú tại bệnh viện, BSTY sẽ cho thuốc giảm đau, thay đổi chế độ ăn uống, cho thuốc làm tan sỏi để giảm xu hướng hình thành tinh thể sỏi nếu nguyên nhân gây bí tiểu do sỏi hoặc thuốc kháng sinh khi nguyên nhân do viêm bàng quang, có thể dùng thuốc hỗ trợ chức năng nội quan khi bị suy thận (Renovet), tim (Cardioblane250), gan (Hepatotap). BSTY cũng sẽ cung cấp dịch truyền để lọc thải urê trong máu và thuốc lợi tiểu để giảm nhanh tình trạng ngộ độc gây hư hại nhu mô thận dẫn đến suy thận mạn về sau. Trường hợp bí tiểu do sỏi lớn thấy được trên X-quang, BSTY sẽ cân nhắc mở bàng quang để lấy sỏi, hay bị khối u cũng cần tiến hành mổ cắt bỏ khối u mới mong cứu chữa được các trường hợp bí tiểu trên mèo.
Nếu việc tắc nghẽn tái phát nhiều lần, tăng nguy cơ gây suy thận mạn, BSTY sẽ tiến hành phẫu thuật niệu đạo quanh đáy chậu (“PU”) hay phẫu thuật mở rộng niệu đạo chuyển giới tính từ mèo đực sang mèo cái nhằm mở rộng niệu đạo và làm cho nó ngắn lại để các tinh thể nhỏ có trong nước tiểu dễ dàng đi qua không mắc lại gây tắc nghẽn thường xuyên. Nhiễm trùng đường tiết niệu sau phẫu thuật chiếm 25%, do đó đây là kỹ thuật cuối cùng được áp dụng khi các biện pháp khác không hiệu quả.
Tất cả những mèo được đặt thông tiểu hay phẫu thuật niệu đạo đều phải đeo vòng cổ Elizabeth trong 10 - 14 ngày sau khi phẫu thuật để ngăn ngừa việc tự làm tổn thương và phá hủy kết quả phẫu thuật. |