I. PARVOVIRUS TYPE 2 TRÊN CHÓ
Canine Parvovirus type 2 (CPV-2) là một tác nhân gây bệnh truyền nhiễm quan trọng trên chó ở khắp nơi trên thế giới. CPV-2 thuộc chi Parvovirus và họ Parvoviridae và có mối quan hệ gần gũi với virus gây giảm bạch cầu ở mèo (Feline Panleukopenia Virus), virus viêm ruột ở chồn (MEV) và Parvovirus trên gấu (RPV) (Tattersall và cs., 2005). CPVs là DNA virus có kích thước nhỏ (~25 nm), không có vỏ, có khả năng phân chia nhanh chóng để nhân lên.
Vỏ Parvovirus được tạo thành từ 2 hoặc 3 protein: VP1, VP2, VP3 tạo thành một cấu trúc 20 mặt có khả năng kháng acid, base, dung môi và nhiệt độ lên đến 500C. Bên trong lớp vỏ là một hệ gen DNA sợi đơn, hệ gen này mã hóa 3 protein vỏ của virus (VP1, VP2, VP3) và 2 loại protein phi cấu trúc (NS1, NS2) (Agbandje vàcs., 1995).
Parvovirus đề kháng mạnh với môi trường bên ngoài, có sức chịu đựng cao với pH và sự thay đổi của nhiệt độ. Virions có thể bị bất hoạt bởi formalin, sodium hypochlorite, beta propiolactone, hydroxylamine, tác nhân hóa học và sự chiếu xạ của tia cực tím.
Chó bị nhiễm CPV-2 có tỷ lệ chết rất cao, đặc biệt là chó con 6-12 tuần tuổi hoặc chó chưa chủng ngừa, với các dấu hiệu lâm sàng như: tiêu chảy có máu, nôn mửa, mất nước và suy giảm miễn dịch nghiêm trọng.
1.1. Dịch tễ
Các động vật nhiễm CPV tự nhiên là chó, cáo, chó sói, có thể nhiễm trên chồn và mèo nhưng chúng không lây lan. Các yếu tố thứ phát làm cho bệnh nghiêm trọng hơn bao gồm giun sán, protozoa và vi khuẩn đường ruột như Clostridium perfringens, Campylobacter spp. và Salmonella spp. (Greene và Decaro, 2011). Chó mẹ được chủng ngừa có thể truyền kháng thể qua sữa đầu để bảo vệ chó con trong vài tuần đầu (có thể đến 6-10 tuần) (Goddard, 2010). Sau giai đoạn này, chó con sẽ trở nên nhạy cảm với mầm bệnh.
Virus truyền nhiễm trực tiếp qua phân, gián tiếp qua người, vật dụng, côn trùng, động vật gặm nhấm. Thời gian ủ bệnh của chủng CPV-2 là 7-14 ngày. CPV có thể gây bệnh cho tất cả các loại chó ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên lứa tuổi mắc bệnh cao nhất là chó con ở 6 tuần - 6 tháng (Greene và Decaro, 2011). Một số giống chó đã được chứng minh có nguy cơ cao với CPV-2 như: Rottweiler, Doberman pinscher, Pit Bull Terrier của Mỹ, Labrador retriever, American Staffordshire retriever và chó chăn cừu Đức. Giống thuần có nguy cơ mắc bệnh cao hơn giống chó lai. Bên cạnh yếu tố di truyền thì việc không chủng ngừa làm tăng nguy cơ bệnh. Mùa vụ cũng ảnh hưởng đến bệnh, bệnh thường có nguy cơ cao trong những tháng mùa hè và mùa đông (Goddard, 2010).
1.2. Cách sinh bệnh
CPV-2 xâm nhập vào chó nhạy cảm thông qua đường tiêu hóa và bắt đầu nhân lên trong tế bào lympho của hầu họng, tuyến ức, màng treo ruột (Smith và cs., 1997; Hoskins, 1997). Virus vào máu khoảng 1-5 ngày sau nhiễm, từ đó đi đến khắp nơi trong cơ thể và quá trình nhân lên nhanh hơn. Virus bài tiết qua phân sớm nhất là 3 ngày và phát tán trong một thời gian dài tới 3-4 tuần sau khi có dấu hiệu lâm sàng hoặc cận lâm sàng. Virus nhân lên mạnh tại niêm mạc ruột làm ảnh hưởng sự phát triển và gây hoại tử các lớp tế bào biểu mô, bào mòn và hoại tử nghiêm trọng nhung mao ruột, từ đó dễ dẫn đến nhiễm trùng kế phát từ vi khuẩn gram âm và kỵ khí gây ra các triệu chứng đường ruột trầm trọng hơn hoặc các triệu chứng nhiễm trùng huyết (Greene và Decaro, 2011).
Virus nhân lên tại tủy xương làm ảnh hưởng chức năng của tủy xương, đặc biệt là quá trình tái tạo tế bào bạch cầu, dẫn đến lượng tế bào bạch cầu trong máu giảm đáng kể, có khi dưới 2.000 - 3.000 tế bào/pl máu (Decaro và cs., 2005a). Số lượng tế bào bạch cầu lympho và bạch cầu trung tính giảm nhiều làm giảm khả năng phòng vệ của cơ thể nên làm tăng nguy cơ nhiễm trùng thứ phát.
Virus có thể gây viêm cơ tim nếu chó con nhiễm khi còn trong bụng mẹ hoặc ở giai đoạn sớm trước 8 tuần tuổi đối với chó con sinh ra từ chó mẹ chưa chủng ngừa.
1.3. Dấu hiệu lâm sàng
Thể viêm cơ tim
Thể viêm cơ tim do CPV-2 rất hiếm thấy hiện nay vì ngày càng nhiều chó mẹ được chủng ngừa bệnh do Parvovirus. Trong nhiều trường hợp, tất cả chó con trong đàn đều bị nhiễm, có thể chết hoặc cầm cự trong vòng 24 giờ sau khi có biểu hiện lâm sàng. Tiến trình phát triển triệu chứng bệnh rất nhanh chóng, bao gồm khó thở, kêu la và ói. Bệnh tích viêm cơ tim gồm viêm, xuất huyết và/hoặc hoại tử cơ tim (Goddard và Leisewitz, 2010). Thể bệnh này có thể xuất hiện riêng hoặc cùng với thể đường ruột.
Thể đường ruột
Viêm ruột cấp tính là biểu hiện chung nhất của bệnh và có nhiều ở chó con mới sinh cho tới 6 tháng tuổi (Lamm, 2008; Prittie, 2004). Thể này rất giống với bệnh gây suy giảm bạch cầu (Panleukopenia) ở mèo. Thời gian ủ bệnh từ 7-14 ngày. Tiến triển của bệnh xảy ra rất nhanh. Thú bỏ ăn, mệt lả, nôn mửa, 24 giờ sau bắt đầu tiêu chảy có máu. Ngày thứ tư và thứ năm của tiến trình bệnh thì phân có màu xám đỏ (Nguyễn Như Pho, 2003).
Hư hại đường ruột thứ phát do nhiễm virus tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết, làm bệnh nghiêm trọng hơn dẫn đến sốc nhiễm trùng và chết. Vi khuẩn E. colí được phát hiện trong phổi và gan chó con bị nhiễm bệnh, bệnh tích trong phổi tương tự như bệnh tích suy đường hô hấp ở người lớn (Prittie, 2004).
Chó có thể chết sau 2 ngày nhiễm bệnh và thường kết hợp với nhiễm trùng vi khuẩn gram âm hoặc bị chứng huyết khối hoặc cả hai (Greene và Decaro, 2011). Tỷ lệ chết cao ở chó con (trên 70%) và thấp hơn ở chó trưởng thành (Decaro và Buonavoglia, 2012).
III. CHẨN ĐOÁN
3.1. Triệu chứng lâm sàng
Dấu hiệu đặc trưng và chủ yếu để chẩn đoán bệnh do Parvovirus trên chó là viêm ruột cấp tính. Bệnh phát triển rất nhanh trên chó có độ tuổi từ 6 tuần đến 6 tháng cùng với triệu chứng sốt, suy nhược, mất nước, bỏ ăn, ói, tiêu chảy có máu, tim đập nhanh, thở gấp, mạch yếu, đau vùng bụng, run. Chó chết rất nhanh, dưới 5 ngày. Theo Greene và Decaro (2011), triệu chứng phân hôi tanh và có máu thường ở những thú nhỏ hơn 2 năm tuổi. Giảm bạch cầu tỷ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Chẩn đoán sớm và nhanh là rất cần thiết để có thể cách ly và điều trị sớm những con chó bị nhiễm bệnh, từ đó giảm tỷ lệ lây lan và tỷ lệ tử vong (Cho vàcs., 2006). Chẩn đoán chỉ dựa trên lâm sàng bệnh do Parvovirus là rất khó khăn, vì những dấu hiệu lâm sàng chính của bệnh (ói mửa và tiêu chảy) là phổ biến, giống như các bệnh đường ruột khác như Coronavirus, Adenovirus, Rotavirus, Reovirus, Norovirus (De Castro và cs., 2007), vì vậy nên kết hợp sử dụng các phương pháp xét nghiệm để có kết quả chẩn đoán chính xác hơn.
3.2. Xét nghiệm máu
Khi xét nghiệm máu, chó bị bệnh thường có kết quả thiếu máu, giảm bạch cầu lympho, giảm bạch cầu trung tính. Các loại tế bào bạch cầu khác và tiểu cầu cũng giảm. Các chỉ tiêu sinh hóa máu cũng cho kết quả bất thường bao gồm: giảm albumin, giảm protein, giảm đường huyết. Các ion Cl-, Na+, K+ cũng đồng loạt giảm. Tuy nhiên, bilirubin và men alkalin phosphatase trong máu tăng.
3.3. Bệnh tích vi thể
Mẫu bệnh phẩm thú bị bệnh parvo có thể ghi nhận các bệnh tích sau: viêm ruột xuất huyết, hoại tử niêm mạc ruột, nhung mao hư hại, hoại tử, mô lympho hoại tử. Ngoài ra, có thể phát hiện viêm cơ tim, phù phổi, viêm phế nang và thể vùi trong nhân tế bào trong một số trường hợp.
3.4. Phát hiện kháng nguyên virus trong phân
Phương pháp ELISA được dùng để phát hiện CPV trong phân chó con bị nhiễm (Mohan và cs., 1993) nhưng độ nhạy thấp, thường sử dụng vào vài ngày đầu khi chó có biểu hiện lâm sàng (Greene và Decaro, 2011). Các phần của virus sẽ phát hiện được vào thời kỳ bài thải cao nhất (4-7 ngày sau khi nhiễm). Kết quả dương tính giả có thể xuất hiện 3 tới 10 ngày sau khi chủng vacxin với dạng vacxin CPV-2 sống và kết quả âm tính giả có thể xảy ra thứ phát do liên quan đến trung hòa kháng thể với kháng nguyên trong tiêu chảy hay kết thúc bài thải virus qua phân (Prittie, 2004).
Phương pháp xét nghiệm sắc ký miễn dịch (IC) được so sánh với kỹ thuật PCR cho thấy độ nhạy tương đối của xét nghiệm không vượt quá 50%, tuy nhiên độ đặc hiệu là 100%. Độ nhạy của phương pháp IC có liên quan đến số lượng virus đã bài thải qua phân trong giai đoạn cuối của bệnh hoặc có sự hiện diện sớm của kháng thể CPV-2 cao trong lòng ruột (Desario và cs., 2005).
Những phương pháp khác có thể phát hiện CPV-2 trong phân gồm soi kính hiển vi điện tử, phân lập virus, ngưng kết hồng cầu trong phân (HA), ngưng kết latex. Phương pháp phân lập virus đòi hỏi nhân viên xét nghiệm có kỹ thuật nuôi cấy tế bào, phải có thời gian vì thời gian ủ bệnh từ 5 đến 10 ngày và thử nghiệm bổ sung bởi phương pháp miễn dịch huỳnh quang hoặc HA để phát hiện kháng nguyên của virus trong khi độ nhạy lại thấp (Desario và cs., 2005). CPV- 2 được phát hiện bởi phương pháp HA và HI chỉ vài ngày sau nhiễm nhưng có thể cho kết quả âm tính giả cao mặc dù lượng DNA của virus cao được phát hiện bằng phương pháp Realtime-PCR (Marulappa và Kapil, 2009).
3.5. Phương pháp xét nghiệm phân tử
Kỹ thuật PCR để phát hiện Parvovirus trên chó đã được phát triển từ những năm đầu 1990 (Desario và cs., 2005). Để tăng độ nhạy và độ đặc hiệu của phản ứng, kỹ thuật nested PCR với cặp mồi kép đã được thiết kế. Trình tự của các cặp mồi PCR được chọn từ vùng gen VP1/VP2.
Kỹ thuật nested PCR được chứng minh là nhạy hơn 100 lần so với kỹ thuật PCR thông thường (Hirasawa và cs., 1994). Sau đó kỹ thuật Realtime-PCR đã được phát triển để phát hiện DNA của CPV một cách nhanh chóng với độ nhạy và độ đặc hiệu cao (Decaro và cs., 2005c). Tổng thời gian phân tích từ 20 đến 30 mẫu của kỹ thuật Realtime-PCR là 3 giờ so với 6 giờ của kỹ thuật PCR thông thường. Độ nhạy cao của phương pháp này có thể phát hiện virus trong phân ở mức thấp, giúp cho công tác phòng bệnh để ngăn ngừa CPV-2 trên chó (Decaro và cs., 2012).
Các phương pháp xét nghiệm phân tử như PCR cơ bản, nested PCR, đặc biệt là Realtime- PCR có độ nhạy và độ đặc hiệu cao hơn những kỹ thuật truyền thống (Desario và cs., 2005).
IV. ĐIỀU TRỊ
Trong những năm gần đây, một số liệu pháp đặc hiệu được thử nghiệm, tuy nhiên hiệu quả không cao. Do đó, các liệu pháp điều trị bệnh do Parvovirus chủ yếu tập trung vào các liệu pháp hỗ trợ và chống phụ nhiễm. Sự hỗ trợ và chăm sóc tích cực làm tăng tỷ lệ chữa khỏi bệnh.
4.1. Liệu pháp điều trị đặc hiệu
- Kháng huyết thanh
Huyết tương từ chó được chủng ngừa Parvovirus có kháng thể kháng CPV đã được thử nghiệm để điều trị chó nhiễm CPV, tuy nhiên hiệu quả của liệu pháp này chưa khả quan.
- Thuốc kháng virus
Thuốc kháng virus oseltamivir có cơ chế tác dụng là ức chế men neuraminidase của virus, đã được thử nghiệm trên một số trường hợp chó bị nhiễm Parvovirus, tuy nhiên hiệu quả lâm sàng của liệu pháp này chưa rõ ràng. Trong một thử nghiệm ngẫu nhiên trên 35 chó nhiễm Parvovirus bằng oseltamivir cho thấy nhóm đối chứng có số lượng tế bào bạch cầu giảm hơn so với nhóm điều trị.
4.2. Liệu pháp điều trị hỗ trợ
Các liệu pháp hỗ trợ trong điều trị bệnh do Parvovirus bao gồm cung cấp nước và cân bằng điện giải, cung cấp đường, chống ói, cung cấp dinh dưỡng và chống phụ nhiễm.
- Cung cấp nước và chất điện giải
Duy trì nước và cân bằng chất điện giải là liệu pháp sống còn đối với điều trị bệnh do Parvovirus gây ra. Lượng nước cần cung cấp được tính toán dựa vào nhu cầu duy trì, mức độ mất nước, tình trạng tiêu chảy và ói mửa của chó. Các dung dịch đẳng trương như Ringer's Lactate, NaCl 0,9% thường được sử dụng, tuy nhiên dung dịch keo (colloidal solution) được cân nhắc sử dụng trong một số trường hợp như giảm dung lượng máu hoặc protein huyết tương thấp...
Nếu việc cung cấp được duy trì liên tục sẽ tăng khả năng bù đắp lượng nước tiếp tục mất và tăng hiệu quả điều trị. Thực hiện Ion đồ sẽ giúp tính toán được lượng chất điện giải cần cung cấp.
- Kiểm soát đường huyết
Thú bệnh thường tăng cường sử dụng glucose, tuy nhiên thú bỏ ăn, ói và tiêu chảy nhiều nên thường dẫn đến giảm glucose, do đó cần kiểm tra thường xuyên glucose máu để bổ sung kịp thời. Khi glucose máu giảm xuống <60 mg/dL, có thể bổ sung 0,5-1 ml/kg IV dung dịch dextrose 50% (pha tỷ lệ 1:2 với dung dịch 0,9% NaCl).
- Chống ói
Trường hợp chó có triệu chứng ói nhiều, có thể sử dụng thuốc chống ói. Có nhiều lựa chọn cho nhóm thuốc này bao gồm: metoclopramide 1-2 mg/kg/ngày tiêm tĩnh mạch (IV) hoặc tiêm bắp (IM); ondansetron 0,3-0,5 mg/kg IV, tiêm dưới da (SC) mỗi 8 giờ; dolasetron 0,5-1 mg/kg/ ngày SC, IV; maropitant 1 mg/kg/ngày SC, IV; chlorpromazine 0,1-0,5 mg/kg SC, IV mỗi 8 giờ.
- Giảm đau
Thú có thể có biểu hiện đau nội tạng, do đó có thể sử dụng một trong các thuốc sau: lidocaine 10-30 pg/kg/phút IV; fentanyl 2-5 pg/kg/giờ IV; morphine 2-4 pg/kg/giờ IV; hoặc buprenorphine 0,005-0,02 mg/kg IV mỗi 6-8 giờ để giảm đau.
- Kháng sinh chống phụ nhiễm
Kháng sinh cần được sử dụng để chống phụ nhiễm. Khi thú nhiễm Parvovirus bị giảm bạch cầu ngoại biên và tổn thương niêm mạc ruột nên tăng nguy cơ phụ nhiễm vi trùng. Các kháng sinh phổ rộng thường được áp dụng bao gồm ceftriaxone (15mg/ kg/24 giờ), cefazolin (22mg/kg/8 giờ), ampicillin (22 mg/kg/8 giờ), enrofloxacin (5-10 mg/kg/24 giò’)...
- Liệu pháp dinh dưỡng
Cần sớm cung cấp thức ăn để duy trì dinh dưỡng cho thú bệnh, nếu thú chưa thể tự ăn có thể bơm qua ống thông mũi - thực quản. Một nghiên cứu cho thấy việc cho ăn qua ống thông mũi thực quản giúp thú hồi phục nhanh hơn.
- Truyền máu và huyết tương
Trong một số trường hợp có thể xem xét truyền huyết tương đông lạnh đối với các ca bệnh rối loạn đông máu thứ cấp hoặc có hàm lượng albumin máu thấp. Ngoài ra, liệu pháp truyền máu có thể áp dụng đối với các trường hợp tiêu chảy có máu nặng gây thiếu máu trầm trọng.
- Lưu chuồng điều trị
Việc lưu chuồng điều trị đối với thú bệnh do Parvovirus là rất cần thiết và tăng hiệu quả điều trị vì thú được truyền tĩnh mạch, xét nghiệm, bổ sung thiếu hụt nhanh chóng và có bác sỹ thú y theo dõi thường xuyên. Tuy nhiên, phòng mạch, bệnh viện thú y cần lưu ý có khu cách ly điều trị và biện pháp hạn chế truyền lây cho những thú khỏe khác.
V. PHÒNG BỆNH
Chủng ngừa vacxin là biện pháp phòng hữu hiệu nhất đối với bệnh do Parvovirus. Chó mẹ được chủng ngừa đầy đủ trước khi sinh sẽ giúp bảo hộ thai khi còn trong bụng mẹ và giai đoạn sớm sau khi sinh. Theo hướng dẫn của Hiệp hội Bệnh viện động vật Mỹ năm 2017 (AAHA) đối với chó con dưới 16 tuần tuổi, chủng ngừa sớm nhất lúc 6 tuần tuổi, sau đó tiêm nhắc lại mỗi 2-4 tuần cho đến khi được 16 tuần tuổi. Chó 16 tuần tuổi tại thời điểm thăm khám đầu tiên chủng ngừa 2 mũi cách nhau 2-4 tuần. Chó lớn hơn 16-20 tuần tuổi chủng ngừa 1 mũi hoặc lặp lại mũi thứ 2 sau 2-4 tuần. Chó lớn hơn 20 tuần tuổi chỉ cần chủng ngừa 1 mũi. Sau đó, tất cả các trường hợp cần tái chủng hàng năm hoặc tái chủng mỗi 2-3 năm nếu có thể đánh giá được hiệu giá kháng thể. Wilson và cs. (2014) đã chứng minh tiêm vacxin bằng CPV-2b sẽ bảo vệ chéo chống lại CPV2-2a và CPV-2c cũng như chống lại CPV-2.
VI. KẾT LUẬN
Parvovirus hiện vẫn đang là nguyên nhân gây bệnh nghiêm trọng cho chó nuôi tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Việc tìm hiểu cập nhật về căn nguyên, cách gây bệnh, chẩn đoán, phòng ngừa và cách chữa trị là rất cần thiết đối với các bác sỹ thú y cũng như người chăn nuôi. Bài tổng hợp này đã cập nhật thông tin liên quan căn bệnh, đặc biệt là ba biến thể CPV-2 (a,b,c) được phân bố khác nhau ở các quốc gia trên thế giới. Sự khác biệt này cần được lưu ý nhiều hơn cho những nghiên cứu tiếp theo để ghi nhận sớm sự thay đổi cũng như đánh giá thêm về miễn dịch chéo, từ đó có định hướng nguồn vacxin hoặc sản xuất vacxin phù hợp với từng khu vực, quốc gia. |