Nghiên cứu [ Đăng ngày (26/06/2023) ]
Xác định và đánh giá độ tương đồng về đặc điểm di truyền phân tử của Genotype của CPV -2 gây bệnh viêm ruột trên chó tại Tỉnh Tiền Giang
Nghiên cứu do nhóm tác giả gồm Nguyễn Thị Yến Mai, Trần Văn Thanh (Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ), Trần Ngọc Bích (Trường Đại học Cần Thơ) và Huỳnh Thị Hồng Phượng (Công ty TNHH MTV BIOCHEM) thực hiện.

Canine parvovirus (CPV) lần đầu tiên được ghi nhận vào những năm 1970 và kể từ đó nó đã được biết là một tác nhân gây bệnh đường ruột của chó trên toàn thế giới (Appel et al., 1979). Kể từ khi xuất hiện, CPV-2 đã gây ra đại dịch, bệnh có dấu hiệu viêm ruột nặng, sự lây nhiễm đặc biệt là ở chó con. CPV-2 phát triển nhanh chóng, có nhiều biến dị di truyền và kháng nguyên đã được báo cáo lưu hành trên toàn thế giới (Miranda et al., 2016). Con đường lây nhiễm chính là qua đường miệng, thông qua tiếp xúc với phân của những con chó bị nhiễm bệnh. Các dấu hiệu lâm sàng bao gồm thiếu máu, buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy phân có lẫn máu (Decaro và Buonavoglia, 2012).

Qua ghi nhận thực tế cho đến năm 2019, các genotype CPV-2c và CPV-2a đã được khẳng định là có lưu hành ở Việt Nam nhưng những thông tin về đặc điểm di truyền học phân tử của các genotype của CPV-2 gây bệnh viêm ruột trên chó còn nhiều hạn chế, đặc biệt là ở tỉnh Tiền Giang. Do đó mục tiêu của nghiên cứu này là phân tích kết quả giải trình tự và đánh giá độ tương đồng về đặc điểm di truyền học phân tử của các genotype của CPV-2 gây bệnh viêm ruột trên chó tại tỉnh Tiền Giang với các genotype của CPV-2 trên Ngân hàng gen (NCBI).

Để kiểm tra và đánh giá mức tương đồng về đặc điểm di truyền học phân tử của các genotype của CPV-2 lưu hành trên đàn chó, gen VP2 của 40 mẫu bệnh phẩm Canine Parvovirus tại tỉnh Tiền Giang được thu nhận và giải trình tự bằng phương pháp Sanger trên hệ thống ABI 3130 (Mỹ) và kiểm tra trình tự thu nhận được bằng phần mềm BioEdit.

Kết quả đối chiếu 40 genotype của CPV-2 nghiên cứu với genotype của CPV-2 ban đầu cho thấy có 39 genotype của CPV-2 có sự đột biến đồng nhất tại 4 vị trí nucleotide trên bộ gen của CPV-2 ở các vị trí 2773T, 2816C, 3790G và 3792A, được xác định là genotype CPV-2c; chỉ có 1 genotype của CPV-2 trong nghiên cứu này có sự đột biến tại 3 vị trí nucleotide trên bộ gen của CPV-2 ở các vị trí số 2773T, 2816C và 2817C, được xác định là genotype CPV-2a. Chọn lựa 8 genotype CPV-2c và CPV-2a trong nghiên cứu có kết quả rõ, đẹp và đối chiếu với genotype CPV-2c và CPV-2a trên mẫu tham chiếu thấy có sự tương đồng về thành phần nucleotide và amino acid; đồng thời có sự tương đồng cao về đặc điểm di truyền học phân tử giữa các genotype của CPV-2 nghiên cứu tại tỉnh Tiền Giang với nhau; với các genotype trên Ngân hàng gen (GenBank, NCBI), với các genotype trong các vacxin trên Ngân hàng gen.

ctngoc
Theo Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Thú y, Tập XXVII, Số 4 - 2020
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
   
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->