Nghiên cứu [ Đăng ngày (26/06/2023) ]
Đánh giá tác dụng gây mê và độ an toàn của Isoflurane đưa theo đường hô hấp và Zoletil 50 theo đường tĩnh mạch trong phẫu thuật triệt sản cho mèo
Nghiên cứu do nhóm tác giả gồm: Đinh Phương Nam, Nguyễn Thị Giang, Phạm Hồng Trang, Nguyễn Thị Ngọc, Nguyễn Văn Phương, Trần Văn Nên, Nguyễn Văn Hải, Lê Văn Hùng, Ngô Thị Hạnh, Nguyễn Đức Trường, Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Thanh Hương, Vũ Văn Dũng và Dương Thị Hà Ly thuộc Khoa thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.

Gây mê bay hơi (GMBH) là phương pháp được phát triển và sử dụng trên y học lâm sàng từ năm 1842 bởi Crawford, sau đó được phép sử dụng trong thú y tại các nước phát triển, thường được dùng cho chó, mèo, ngựa và chim. Hai loại thuốc phổ biến dùng trong GMBH trên bệnh súc là Halothane và Isoflurane, chúng cho phép người thực hiện kiểm soát được mức mê nông hay sâu của gia súc va là kỹ thuật được lựa chọn cho phẫu thuật kéo dài và xâm lấn. Mức độ an toàn của isoflurane được đánh giá cao và trở thành sự lựa chọn gây mê trong phẫu thuật thú y. Isoflurane an toàn đối với cả thú mang thai hoặc thú có vấn đề về tim mạch.

Tại Việt Nam, phương pháp gây mê chính trong phẫu thuật ngoại khoa trên mèo hiện nay là sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch với hai loại phổ biến là Ketamin và Zoletil. Mặc dù đây là phương pháp tương đối đơn giản và có thể được thực hiện bởi Bác sỹ thú y thực hành cơ sở với yêu cầu kỹ thuật trung bình. Tuy nhiên hai loại thuốc mê này gây ra một số tác dụng phụ như khó kiểm soát tình trạng và thời gian mê, thiếu sự hỗ trợ thông khí và khả năng dung nạp kém ở động vật bị suy nhược hoặc mất nước. Việc này đặt ra nhu cầu phát triển phương pháp gây mê hiệu quả và an toàn.

Nghiên cứu so sánh hiệu quả của các phương pháp gây mê trong phẫu thuật ngoại khoa trên mèo được thực hiện tại Bệnh viện Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Hai mươi mèo thí nghiệm được chia làm 2 nhóm, trong đó 10 mèo được gây mê sử dụng phương pháp gây mê bay hơi bằng Isoflurane với liều lượng bắt đầu ở mức 2-3% và duy trì ở mức 1-2%, 10 mèo được gây mê sử dụng phương pháp tiêm tĩnh mạch bằng Zoletil 50 (13 mg/kgP). Kết quả nghiên cứu cho thấy mèo được gây mê bằng Isoflurane có sự ổn định hơn Zoletil về các chỉ số về thân nhiệt, tim mạch, huyết áp. Bên cạnh đó, chỉ số nồng độ oxy trong máu ở nhóm gây mê bay hơi dao động trong khoảng 93-95%, cao hơn rất nhiều so với phương pháp gây mê bằng Zoletil 50. Ngoài ra, mèo ở nhóm gây mê bay hơi không có phản xạ đau khi mổ và 80% mèo tỉnh sau gây mê không có biểu hiện hoảng loạn, trong khi đó 70% số mèo tỉnh ở nhóm gây mê bằng Zoletil 50 có biểu hiện hoảng loạn. Như vậy, gây mê bay hơi ổn định, an toàn và có thể trở thành phương pháp gây mê ưu tiên trong phẫu thuật ngoại khoa trên mèo.

ctngoc
Theo Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Số 20(2) năm 2022
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
   
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->