Đậu đen là cây trồng cạn, ngắn ngày,có giá trị kinh tế cao và nhiều tác dụng so với một số loài cây trồng khác.Đậu đen có hàm lượng protein, carbohydrate, chất xơ, khoáng chất và các loại vitamin cao. Đặc biệt, hàm lượng các axít amin cần thiết trong đậu đen rất cao gồm lysin, metionin, tryptophan, phenylalanin, alanin, valin, leucin... do đó đậu đen được xem như một loại thuốc bổ.
Quảng Trị có tập quán trồng đậu đen xanh lòng từ rất lâu, mặc dù đậu đen chưa được xếp vào đối tượng cây trồng chủ lực tại Việt Nam nhưng là cây trồng được quan tâm trong tiến trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triền nông thôn, 2014). Hiện nay cây đậu đen được trồng ở nhiều vùng miền khác nhau trong cả nước. Tại tỉnh Quảng Trị, đậu đen được trồng nhiều nhất ở xã Triệu Nguyên và xã Ba Lòng, huyện Đakrông, tiếp đến là xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong. Năm 2020, tỉnh Quảng Trị có tổng diện tích trồng đậu các loại là 1.585,3 ha, trong đó diện tích trồng đậu đen là 318 ha, năng suất trung bình đạt 11,0 tạ/ha với tổng sản lượng đạt là 347 tấn. Đậu đen là loại cây dễ trồng, vốn đầu tư thấp, thời gian thu hoạch ngắn nên mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Tuy nhiên, người dân chủ yếu trồng theo kinh nghiệm, chưa có một quy trình cụ thể nào được áp dụng sản xuất.
Nghiên cứu tiến hành trên đất phù sa tại xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông, tỉnhQuảng Trị. Giống đậu đen xanh lòng địa phương được đặt mua tại Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Triệu Nguyên, Xuân Lâm, Triệu Nguyên, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Đây là giống được trồng phổ biến, có độ thuần đạt > 99,0 %, thời gian sinh trưởng ngắn, thuộc dạng thân đứng, ngọn có xu hướng leo và có ngắt ngọn. Phân vô cơ gồm,phân đạm urê (46% N), supe lân (16% P2O5) và kali clorua (60% K2O). Phân hữu cơ là phân bò được ủ hoai mục do người dân tự sản xuất theo phương pháp truyền thống. Vật liệu gồm phân bò và rơm rạ được ủ theo phương pháp ủ nóng. Thí nghiệm được tiến hành trong vụ Xuân Hè 2022 từ tháng 2 đến tháng 5/2022 (Gieo hạt ngày 25/02/2022) tại xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.
Thí nghiệm gồm 2 nhân tố, được bố trí theo kiểu ô lớn, ô nhỏ (split –plot), với 3 lần nhắc lại, trong vụ Xuân Hè năm 2022 tại xã Triệu Nguyên, huyện Đakrong, tỉnh Quảng Trị. Các chỉ tiêu dõi thực hiện theo bộ phiếu thu thập, mô tả đánh giá của Trung tâm tài nguyên thực vật. Kết quả nghiên cứu cho thấy, liều lượng phân hữu cơ và mật độ trồng ảnh hưởng đến chiều cao cây, số cành cấp 1, diện tích lá, hàm lượng chất khô, năng suất và hiệu quả kinh tế của cây đậu đen. Cây đậu đen sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao nhất ở công thức P2M1 (với mức bón phân hữu cơ là 8 tấn/ha và mật độ trồng là 12 cây/m2). Tại mức công thức này, năng suất thực thu đạt 12,55 tạ/ha/vụ, lợi nhuận đạt 29.877,927 đồng/ha/vụ và chỉ số VCR là 5,56. Từ kết quả nghiên cứu, bước đầu khuyến cáo sử dụng mức bón phân hữu cơ là 8 tấn/ha và mật độ trồng là 12 cây/m2 cho cây đậu đen trên đất phù sa trong vụ Xuân Hè tại tỉnh Quảng Trị. |