Lupus ban đỏ hệ thống, hay còn được gọi tắt là lupus (SLE- Systemic Lupus Erythematosus) là một bệnh phổ biến nhất trong các bệnh lý tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch con người tấn công chính những cơ quan và tế bào của cơ thể, làm chúng bị tổn thương và rối loạn chức năng.Trên thế giới, tỷ lệ lưu hành bệnh lupus ban đỏ hệ thống thay đổi khoảng 20-70/100.000 người/năm . Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh trong dân số không cao nhưng đây lại là một bệnh lý mạn tính thường gặp ở phụ nữ trẻ trong độ tuổi sinh đẻ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, khả năng lao động và có thể dẫn đến tử vong do hậu quả nặng nề của bệnh. Mặt khác, các triệu chứng ban đầu của bệnh thường mơ hồ, do đó phải mất nhiều thời gian sau khi bệnh tiến triển và gây tổn thương nhiều cơ quan thì bệnh mới được xác định. Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị sớm là thách thức đặt ra cho người thầy thuốc hiện nay.
Năm 2012, Những trung tâm cộng tác quốc tế về bệnh lupus hệ thống (Systemic Lupus International Collaborating Clinics- viết tắt là SLICC) đã đưa ra tiêu chuẩn mới để chẩn đoán lupus ban đỏ hệ thống gồm có 11 tiêu chuẩn lâm sàng, 6 tiêu chuẩn miễn dịch và tiêu chuẩn sinh thiết thận. Tiêu chuẩn này được đánh giá có độ nhạy cao và cập nhật những kiến thức mới nhất về miễn dịch học hơn so với 11 tiêu chuẩn được sử dụng rộng rãi hiện nay của hội thấp học Hoa Kỳ năm 1997. Tuy nhiên tại Việt Nam vẫn chưa có nhiều công trình nghiên cứu về tiêu chuẩn trên.Xuất phát từ tính thời sự và cấp thiết của vấn đề, chúng tôi tiến hành đề tài với mục tiêu xác định tỷ lệ các biểu hiện lâm sàng và sinh học trên bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống được chẩn đoán theo tiêu chuẩn của Những trung tâm cộng tác quốc tế về bệnh lupus hệ thống SLICC 2012.
Đối tượng nghiên cứu:Đối tượng nghiên cứu là 55 bệnh nhân được chẩn đoán lupus ban đỏ hệ thống theo tiêu chuẩn của SLICC 2012, điều trị và theo dõi tại khoa Nội Thận - Cơ xương khớp bệnh viện Trung Ương Huế vào thời gian từ tháng 03/2014 đến tháng 04/2015.
Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu được thực hiện theo phương pháp mô tả cắt ngang.
Kết quả nghiên cứu tỷ lệ biểu hiện lâm sàng: tổn thương da rụng tóc không sẹo 60%; viêm bao hoạt dịch khớp 54,5%; viêm màng thanh dịch 32,7%; tổn thương thần kinh 14,6%. Tỷ lệ biểu hiện sinh học: thiếu máu huyết tán 5,5%; giảm bạch cầu <4.000/mm325,5%; giảm bạch cầu lympho <1.000/mm349,1%; giảm tiểu cầu <100.000/mm3,16,4%;protein niệu >500mg/24h 69,1%; kháng thể kháng nhân dương tính 96,4%; kháng thể anti-dsDNA dương tính 89,1%
Trong nhóm nghiên cứu này, các biểu hiện lâm sàng theo tiêu chuẩn chẩn đoán của SLICC 2012 chiếm tỷ lệ cao nhất là rụng tóc không sẹo, tiếp đến là tổn thương da cấp và viêm bao hoạt dịch khớp. Các biểu hiện lâm sàng khác chiếm tỷ lệ thấp hơn như loét mũi miệng, tổn thương thần kinh, tổn thương da mạn. Về biểu hiện sinh học, sự có mặt của kháng thể kháng nhân, kháng thể anti-dsDNA và tổn thương thận với protein niệu >500mg/24 giờ là những triệu chứng nổi bật nhất. |