Sa sút trí tuệ (SSTT) sau tai biến mạch máu não là một dạng SSTT do căn nguyên mạch máu là nguyên nhân thường gặp. Việc tìm kiếm thang điểm có giá trị cao nhằm tầm soát sa sút trí tuệ ở giai đoạn sớm là vấn đề luôn được quan tâm. Thang điểm MoCA (Montreal cognitive assessment) của Nasreddine ra đời năm 1996, được sử dụng nhiều trong các nghiên cứu về sa sút trí tuệ từ năm 2006 và hiện nay được dịch sang 36 ngôn ngữ khác nhau đã được nhiều tác giả trên thế giới sử dụng để tầm soát SSTT sau tai biến mạch máu não. Tuy nhiên ở Việt Nam việc sử dụng thang đểm MoCA trong tầm soát sa sút trí tuệ nói chung và sa sút trí tuệ sau tai biến mạch máu não nói riêng chưa được nghiên cứu nhiều.
Đối tượng nghiên cứu: 90 bệnh nhân tai biến mạch máu não giai đoạn bán cấp điều trị tại khoa nội tim mạch bệnh viện Trung Ương Huế, từ tháng 7/2014 – 7/2015
Phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang và phân tích
Kết quả nghiên cứu độ tuổi trung bình là 65,57 ± 13,38; nam chiếm 54,4% và nữ chiếm 45,6%. Tuổi, thời gian bị bệnh có sự tương quan yếu với thang điểm MoCA. Các yếu tố nguy cơ: tăng huyết áp, tai biến mạch máu não thoáng qua, nghiện rượu, hút thuốc lá, bệnh tim, đái tháo đường, rối loạn lipid máu liên quan không có ý nghĩa thống kê với sa sút trí tuệ theo thang điểm MoCA. Tỷ lệ sa sút trí tuệ ở giai đoạn tai biến mạch máu não bán cấp theo thang điểm MoCA là 82,2%. Thang điểm MoCA và MMSE có độ phù hợp chặt chẽ (kappa = 0,684). Sử dụng DSM-IV làm tiêu chuẩn vàng chúng tôi nhận thấy thang điểm MoCA có giá trị hơn thang điểm MMSE trong chẩn đoán SSTT (AUC 0,864 so với 0,774, p<0,05).
Tỷ lệ sa sút trí tuệ ở giai đoạn tai biến mạch máu não bán cấp theo thang điểm MoCA khá cao. Thang điểm MoCA có giá trị hơn thang điểm MMSE trong việc phát hiện SSTT ở các bệnh nhân tai biến mạch máu não giai đoạn bán cấp, thang điểm này dễ thực hiện vì vậy cần đưa vào sử dụng rộng rãi trong thực hành lâm sàng. |