Nghiên cứu [ Đăng ngày (24/06/2023) ]
Tối ưu hóa phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận
Nghiên cứu do nhóm tác giả Ngô Minh Thụy, Lê Mộng Triết và Nguyễn Kim Lợi thuộc Khoa Quản Lý Đất Đai và Bất Động Sản và Khoa Môi Trường và Tài Nguyên, Trường Đại Học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện.

Sự xung đột giữa các mục tiêu trong khai thác sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên nước vào phát triển kinh tế - xã hội ngày càng gia tăng, tạo ra những cạnh tranh gay gắt giữa các mục đích sử dụng đất (Zeng & ctv., 2010). Ngoài ra, với sự tác động của biến đổi khí hậu đã làm cho điều kiện tự nhiên thay đổi đặc biệt là tài nguyên nước điều này ảnh hưởng trực tiếp đến bố trí cơ cấu cây trồng. Vì vậy, việc tối ưu hóa phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng đảm bảo sử dụng hợp lý tài nguyên đất, tài nguyên nước và tối ưu các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là các vùng có điều kiện khô hạn. Việc xác định cây trồng phù hợp phải dựa trên cơ sở khả năng thích nghi đất đai, chi phí đầu tư và hiệu quả sản xuất của từng hệ thống sử dụng đất. Các nghiên cứu có liên quan như: (1) nghiên cứu xác định quỹ đất có khả năng phát triển cây Japotra tỉnh Ninh Thuận; (2) nghiên cứu sử dụng hợp lý đất vùng bán khô hạn cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; (3) nghiên cứu sử dụng hợp lý đất gò đồi cho phát triển nông nghiệp tại tỉnh Ninh Thuận. Các nghiên cứu trên chủ yếu tập trung vào đánh giá thích nghi điều kiện tự nhiên chưa đi sâu nghiên cứu đánh giá tổng hợp cả ba tiêu chí điều kiện tự nhiên, kinhtế, xã hội và môi trường (đánh giá thích nghi đất đai bền vững). Vì vậy, về mặt khoa học cũng như thực tiễn, cần phải đánh giá tổng hợp trên cả 3 tiêu chí kinh tế, xã hội và môi trường (Briassoulis,2020).

Hơn nữa, xác định cơ cấu cây trồng tối ưu và bố trí cây trồng cho các vùng đất cụ thể là một vấn đề cấn phải giải quyết để đảm bảo các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường. Vì vậy, bài toán bố trí sử dụng đất cho cây trồng (diện tích và vị trí) là bài toán quy hoạch tuyến tính đa mục tiêu. Đến nay, trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về tối ưu trong xác định cơ cấu cây trồng và phát triển các hệ thống phân bố không gian dựa trên công nghệ GIS và CA (cellular automata) (Guan& ctv., 2011). Trong lĩnh vực quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp mô hình quy hoạch tuyến tính đa mục tiêu tương tác thỏa hiệp mờ (FMOLP -Fuzzy multi - objective linear programming) xác định phương án bố trí cây trồng nhằm đảm bảo các mục tiêu đề ra của bài toán quy hoạch nhưng không có phương án bố trí không gian; hệ thống AEZWIN được thiết kế cho quy hoạch vùng sinh thái nông nghiệp và LADSS cho quy hoạch trang trại sử dụng thuật toán tế bào lý tưởng để bố trí không gian sử dụng đất nên không kế thừa hiện trạng, gây xáo trộn trong sử dụng đất vì vậy không đáp ứng được yêu cầu đặc thù tại Việt Nam (Fischer & ctv.,1998). Do đó, nghiên cứu xây dựng hệ thống có thể tích hợp mô hình tối ưu đa mục tiêu để xác định cơ cấu sử dụng đất và mô hình xử lý không gian (kết hợp kỹ thuật GIS và CA) để bố trí không gian sử dụng đất phù hợp với điều kiện của Việt Nam là cần thiết (Charif& ctv., 2017). Trong phạm vi nghiên cứu này, nhóm tác giả đề xuất giải quyết 3 bài toán chính đề tối ưu hóa phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng để giải quyết những tồn tại mà các nghiên cứu nêu trên chưa giải quyết được: (1) đánh giá thích nghi đất đai; (2) xác định cơ cấu sử dụng đất tối ưu theo hướng sử dụng đất bền vững và (3) bố trí không gian cho phương án sử dụng đất chọn.

Nghiên cứu này sử dụng phần mềm GIS để xây dựng các bản đồ đơn tính như bản đồ địa hình, bản đồ thổ nhưỡng, tài nguyên nước,. . . sử dụng chức năng phân tích không gian của công nghệ thông tin địa lý để đánh giá đất đai, xác định vùng đất thích hợp cho từng loại cây trồng. Ngoài ra, phương pháp bản đồ và công nghệ GIS được sử dụng để thực hiện nội dung đề xuất phương án quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã xây dựng được phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng tối ưu theo các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường trên cơ sở sử dụng mô hình quy hoạch tuyến tính và mô hình CA. Mô hình quy hoạch tuyến tính hỗ trợ xác định cơ cấu sử dụng đất tối ưu, mô hình CA được phát triển cho phù hợp với điều kiện cụ thể tại Việt Nam. Ngoài ra, nhóm tác giả cũng đề xuất quy trình đánh giá thích nghi đất đai bền vững cho điều kiện cụ thể của vùng khô hạn bằng việc chi tiết nội dung đánh giá tài nguyên nước và tính toán cân bằng nước cho các ngành. Kết quả đạt được của nghiên cứu có ý nghĩa thực tiễn cao và có thể áp dụng mô hình của nghiên cứu này cho các vùng có điều kiện tự nhiên tương tự.

ltnhuong
Theo Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Số 4 (2022)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
   
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->