Nghiên cứu [ Đăng ngày (24/06/2023) ]
Tuyển chọn và định danh vi khuẩn hòa tan lân nội sinh từ Cây khóm trồng trên đất phèn tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang
Mục tiêu nghiên cứu nhằm tìm ra dòng vi khuẩn nội sinh có khả năng hòa tan lân khó tan trên đất phèn canh tác khóm tại xã Hỏa Tiến và Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

Khóm hay còn gọi là dứa (Ananas comosus) thuộc họ Bromeliaceae, là loại cây ăn trái nhiệt đới có giá trị thương mại cao, tiêu thụ trên khắp thế giới và được mệnh danh là nữ hoàng của các loại cây với hương vị tuyệt vời. Theo thống kê năm 2020 diện tích sản xuất khóm trên toàn thế giới là 1.077.920 ha với sản lượng là 27.816.403 tấn, đạt năng suất là 25,81 tấn ha-1. Trong đó, diện tích sản xuất của Việt Nam chiếm 38.554 ha với sản lượng 704.167 tấn đạt năng suất là 18,26 tấn ha-1. Trong đó, tỉnh Hậu Giang có diện tích sản xuất là 2.908 ha với sản lượng 38.374 tấn đạt năng suất là 13,20 tấn ha-1vào năm 2021.

Trong sản xuất nông nghiệp, lân là chất dinh dưỡng đa lượng cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển cây trồng. Đối với cây khóm không thể phủ nhận việc tăng bón phân lân dẫn đến cải thiện khối lượng trái cũng như năng suất. Tuy nhiên, bón quá nhiều phân lân hóa học cho cây khóm gây ra sự suy thoái và ô nhiễm đất ngày càng tăng, đồngthời cũng làm tăng chi phí sản xuất. Do đó, cần tìm ra phương pháp thay thế để giải quyết vần đề này là cấp thiết nhằm cải thiện độ phì nhiêu đất và bảo vệ môi trường.

Từ 42 dòng vi khuẩn nội sinh được phân lập từ 20 mẫu rễ và thân cây khóm trồng trên đất phèn tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Các dòng vi khuẩn phát triển nhanh trên 2 môi trường LGI và NFB đặc sau 48 giờ nuôi cấy ở nhiệt độ 30°C. Trong đó có 26 dòng vi khuẩn nội sinh chịu được môi trường chua pH 4,50. Cụ thể là, các dòng vi khuẩn được phân lập trên môi trường LGI và NFB chủ yếu có màu trắng đục, dạng tròn, bìa nguyên, có độ nổi mô ít và kích thước 1-2 mm và chứa độc chất Al3+ và Fe2+ ở nồng độ lần lượt là 100 và 300 mg kg-1. Trong đó, dòng vi khuẩn L-VT08c và L-VT09 có khả năng hòa tan lân sắt, lân nhôm và lân canxi tốt nhất trên môi trường LGI với hàm lượng hòa tan lân lần lượt là 13,6; 26,2; 26,1 mg P L-1 và 16,2; 25,5; 19,7 mg P L-1 và dòng vi khuẩn N-VT06 trên môi trường NFB với hàm lượng 34,5; 6,40 và 60,0 mg P L-1,theo cùng thứ tự. Hai dòng vi khuẩn L-VT09 và N-VT06 được định danh bằng kỹ thuật 16S rDNA là Burkholderia silvatlanticavới tỷ lệ tương đồng là 100%.

tnttrang
Theo Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp - Tập 6(3)-2022
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
   
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->