Nghiên cứu [ Đăng ngày (18/06/2023) ]
Nghiên cứu đề xuất Khung đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư đến di sản thiên nhiên tại Việt Nam
Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác giả Phạm Anh Cường , Trương Quang Hải, Ngô Xuân Quý , Phạm Hạnh Nguyên thuộc Viện Phát triển Tài nguyên và Môi trường, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam; Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội và Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường . Nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Khí tượng thủy văn,Tập 748, số 4 (2023): 23-31.

Di sản thiên nhiên là một trong ba (03) loại di sản thế giới (Di sản thiên nhiên thế giới, Di sản văn hóa thế giới và Di sản hỗn hợp thế giới) theo Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới [1]. Theo Công ước này, di sản thiên nhiên là khu vực hoặc nơi chứa các đặc điểm hoặc nhóm các đặc điểm tự nhiên (gồm cả vật lý và sinh học) với các giá trị còn nguyên vẹn, nổi bật về thẩm mỹ và khoa học; các hệ địa chất, địa lý và khu vực có ranh giới rõ ràng tạo thành sinh cảnh sống của các loài động thực vật đang bị đe dọa có giá trị nổi bật toàn cầu về khoa học hoặc bảo tồn. Tính đến năm 2020, trên thế giới có 1.121 di sản thế giới được công nhận, trong đó có 213 di sản thiên nhiên và 39 di sản hỗn hợp nằm trên lãnh thổ của 107 quốc gia với tổng diện tích 369.685.919 ha [2].

Nhận thức được tầm quan trọng của các di sản thiên nhiên thế giới, các quốc gia, đặc biệt các nước phát triển như Liên minh châu Âu, Mỹ, Canada, Úc, Vương quốc Anh,… đều đã có các quy định pháp luật rất chặt chẽ và đồng thời, ban hành các hướng dẫn kỹ thuật về đánh giá tác động của dự án đầu tư đến di sản thể giới, di sản thiên nhiên thế giới như là một đối tượng tự nhiên hoàn chỉnh hoặc đến một số giá trị nổi bật toàn cầu riêng biệt của di sản thiên nhiên như đa dạng sinh học hoặc cảnh quan [3–7]. Về cơ bản, các hướng dẫn kỹ thuật này đều phù hợp với các khuyến cáo, khung hướng dẫn kỹ thuật của các tổ chức bảo tồn toàn cầu như Liên minh bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế Ramsar, Công ước Đa dạng sinh học, Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới [8–11]. Nhờ có hệ thống pháp luật và hướng dẫn kỹ thuật đầy đủ này, các dự án đầu tư tại các quốc gia phát triển đều được đánh giá tác động môi trường một cách bài bản, do đó, các giá trị nổi bật toàn cầu của các di sản thiên nhiên và tính toàn vẹn của chúng đang được bảo vệ, bảo tồn một cách bền vững.

Việt Nam chính thức tham gia Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới từ năm 1987 và đến nay, có 22 di sản thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận, trong đó có các di sản thiên nhiên thế giới. Tuy nhiên, khái niệm kèm theo các tiêu chí và phân loại di sản thiên nhiên của Việt Nam lần đầu tiên mới được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 [12]. Luật này và các văn bản pháp luật hướng dẫn Luật cũng lần đầu tiên đưa ra khái niệm về cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan sinh thái [13–14], đồng thời, yêu cầu các chủ dự án đầu tư phải thực hiện đánh giá tác động môi trường đến di sản thiên nhiên, chú trọng đến cảnh quan, đa dạng sinh học và thực hiện bồi hoàn đa dạng sinh học. Kết quả rà soát các công trình nghiên cứu trong nước cho thấy, Việt Nam (chủ yếu là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và các Tổ chức Khoa học công nghệ) đã xây dựng thành công hướng dẫn kỹ thuật đánh giá tác động của nhiều loại hình dự án đầu tư (sản xuất hóa chất cơ bản, sản xuất xi măng, luyện thép, xây dựng cảng, chôn lấp chất thải, xây dựng đường giao thông, xây dựng hạ tầng cơ sở khu công nghiệp, nhà máy giấy, nhà máy điện, sản xuất phân hóa học, da giày, dầu khí, xăng dầu, khai thác mỏ, …) đến môi trường. Mặc dù các hướng dẫn kỹ thuật này có nội dung về đánh giá tác động đến tài nguyên sinh vật, tuy nhiên, còn rất sơ sài, không đáp ứng các khuyến cáo của các điều ước quốc tế và yêu cầu của các nhà tài trợ. Ngoài ra, các hướng dẫn này không có nội dung hướng dẫn đánh giá tác động đến cảnh quan thiên nhiên của di sản thiên nhiên.

Trong khoảng mười (10) năm gần đây, có hai nghiên cứu trong nước về hướng dẫn đánh giá tác động môi trường đến đa dạng sinh học: (1) Đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ (Tài nguyên và Môi trường) mã số TNMT.04.56 “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn của bồi hoàn đa dạng sinh học nhằm đề xuất các quy định về chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học” thực hiện trong các năm 2014–2016 [15]; (2) Dự án nhỏ do Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tài trợ cho Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc nghiên cứu xây dựng “Hướng dẫn đánh giá tác động đa dạng sinh học lồng ghép trong quy trình đánh giá tác động môi trường” năm 2015 [16]. Đây mới chỉ là những hướng dẫn bước đầu về đánh giá tác động của dự án đầu tư đến đa dạng sinh học nói chung, chưa xem xét đa dạng sinh học như là một đặc trưng của một khu di sản thiên nhiên.

Trước thực trạng nêu trên của Việt Nam, việc nghiên cứu và sớm đề xuất khung đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư đến di sản thiên nhiên với những cách tiếp cận và phương pháp mới, bổ sung để mô tả đầy đủ cũng như đánh giá tác động chi tiết của dự án đầu tư đến các đặc trưng của di sản thiên nhiên là cảnh quan và đa dạng sinh học. Kết quả của nghiên cứu này sẽ làm cơ sở cho việc xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật đánh giá tác động môi trường chi tiết của dự án đầu tư đến di sản thiên nhiên.

Qua quá trình nghiên cứu và đánh giá thì Khung đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư đến di sản thiên nhiên được đề xuất với những nội dung, phương pháp mới được bổ sung về mô tả các giá trị nổi bật của di sản thiên nhiên; đánh giá, lượng hóa tối đa các tác động của dự án đầu tư đến sinh thái/ đa dạng sinh học và cảnh quan - những đặc trưng rất quan trọng của di sản thiên nhiên là cơ sở cho việc xây dựng hướng dẫn kỹ thuật đánh giá tác động môi trường chi tiết của dự án đầu tư đến di sản thiên nhiên của Việt Nam, góp phần thực hiện Luật Bảo vệ môi trưởng năm 2020, hoàn thiện hệ thống các hướng dẫn kỹ thuật về đánh giá tác động môi trường hiện có, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của các nhà đầu tư, các cơ quan quản lý, các nhà tài trợ cũng như các tổ chức, cá nhân tư vấn và học thuật.

Trong bối cảnh các quy định về cảnh quan trong Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn Luật còn chưa rõ, thiếu tính hệ thống; các tín chỉ để lượng hóa hiệu quả các giá trị đa dạng sinh học chưa được thiết lập tại Việt Nam, việc áp dụng khung hướng dẫn kỹ thuật này để đánh giá tác động của dự án đầu tư đến cảnh quan và đa dạng sinh học của di sản thiên nhiên sẽ gặp phải một số khó khăn nhất định. Do vậy, hai yếu tố hạn chế này cần sớm được nghiên cứu, khắc phục trong thời gian tới.

nhahuy
Theo Tạp chí Khí tượng thủy văn,Tập 748, số 4 (2023): 23-31.
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
 
Các nhà khoa học ghi lại được vụ nổ tia gamma hiếm gặp do sét đánh
Nghiên cứu gần đây được đăng trên tạp chí Science Advances đã mang lại những hiểu biết mới đầy thú vị về hiện tượng sét và các hiện tượng liên quan trong khí quyển. Các nhà khoa học từ Đại học Osaka lần đầu tiên quan sát được một vụ nổ bức xạ mạnh gọi là tia gamma trên mặt đất (TGF) xảy ra đồng thời với tia sét trong quá trình phóng điện sét.


 
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->