Nghiên cứu [ Đăng ngày (18/06/2023) ]
Xác định các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng thực phẩm thủy sản có truy xuất nguồn gốc của người tiêu dùng Việt Nam: trường hợp điển hình tại TP. Hồ Chí Minh
Nghiên cứu do nhóm tác giả Mai Đăng Tiến, Cao Huyền My và Tạ Ngọc Thơm thuộc Khoa Thủy Sản, Trường Đại Học Nông Lâm, TP. Hồ Chí Minh thực hiện.

Nguồn cung lương thực toàn cầu dự kiến phải tăng 70% để đáp ứng nhu cầu của khoảng 10 tỷ người vào năm 2050 (Woodhouse & ctv., 2018). Tuy nhiên, các vấn đề an toàn và bền vững của thực phẩm vẫn chưa được quan tâm đầy đủ ở các thị trường mới nổi và hầu như chưa được kiểm chứng trong lĩnh vực tiêu dùng thủy sản (Nguyen & ctv., 2019). Bên cạnh đó, với giá trị kinh tế được FAO ước tính vào khoảng 60 tỷ USD mỗi năm, các sản phẩm thủy sản có thể thu hút các nhà sản xuất và kinh doanh thiếu đạo đức (Moretti & ctv., 2003). Tại Việt Nam, ô nhiễm thực phẩm và ngộ độc thực phẩm đã và đang gây ra vấn đề nghiêm trọng (Nguyen & ctv., 2017; Nguyen & Tran, 2019) làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng (Ifft &ctv., 2009). Các thống kê cho thấy số liệu tiêu cực về tình hình ngộ độc thực phẩm (theo thốngkê trong 11 tháng đầu năm 2020, cả nước xảy ra 90 vụ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến 2.254 người, trong đó 22 người chết; các chỉ số này tăng lần lượt 43%, 31% và 144% so với cùng kỳ năm trước (GSO, 2020). Điều này cùng với sự gia tăng mức sống và mối quan tâm về các vấn đề sức khỏe và môi trường ở Việt Nam đang làm tăng nhu cầu về thực phẩm an toàn (Dang & Tran, 2020a; Le-Anh & Nguyen-To, 2020; Willer & ctv., 2020). Do hiểu biết hạn chế về quy trình sản xuất thực phẩm, người tiêu dùng không thể đưa ra quyết định mua hàng của mình một cách hiệu quả (Popovic & ctv., 2019). Vì vậy, hệ thống truy xuất nguồn gốc ngày càng trở nên quan trọng như một cơ chế đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng (Jones &ctv., 2004). Ý thức được vấn đề này, các cơ quan quản lý ở Việt Nam đã ban hành hàng loạt các văn bản liên quan đến thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm, nổi bật có thể kể đến hai thông tư của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn là Thông tư 03/2011/TT-BNNPTNT (MARD, 2011b) và Thông tư 74/2011/TT-BNNPTNT (MARD, 2011a); trong đó định nghĩa truy xuất  nguồn gốc thực phẩm là khả năng theo dõi, nhậndiện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất kinh doanh. Nói cách khác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm là một giải pháp cho người tiêu dùng truy xuất, tìm hiểu về thông tin nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm mà họ đã mua, truy ngược từ sản phẩm đang được bày bán trên kệ hàng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối. Nghiên cứu thực tế cũng cho thấy niềm tin của người Việt Nam đối với các sản phẩm truy xuất nguồn gốc đang dần tăng lên (Dang & ctv.,2020) và đây là một giải pháp tiềm năng cho các  vấn đề an toàn thực phẩm (Dang & Tran, 2020b).Tuy nhiên lại có rất ít nghiên cứu về hành vi tiêu dùng thực phẩm thủy sản truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, nghiên cứu này trước hết đóng góp vào các tài liệu hiện tại, đặc biệt trong việc xác định các nhân tố ảnh hưởng đến ý định và hành vi của người tiêu dùng đối với thực phẩm thủy sản có thể truy xuất nguồn gốc dựa trên lý thuyết về hành vi có kế hoạch (Theory of Planned Behavior- TPB) (Ajzen, 1991) - một lý thuyết chiếm ưu thế rõ rệt trong các nghiên cứu về nhận thức, hành vi. Ngoài ra, trong khi khoảng cách giữa ý định của người tiêu dùng và hành vi thực tế đã được xác nhận trong nhiều nghiên cứu (De Koning & ctv.,2015; Singh & Verma, 2017; Ajzen, 2020) hầu hết các nghiên cứu về tiêu dùng thực phẩm an toàn chỉ dừng lại ở ý định, những nghiên cứu nhắm vào các hành vi thực tế vẫn còn rất ít. Do đó, mục tiêu thứ hai của nghiên cứu này là lấp đầy khoảng cách ý định - hành vi. Sự đóng góp dự kiến sẽ rất đáng kể khi mà kết quả nghiên cứu sẽ hữu  ích cho việc khái quát hóa các hành vi tiêu dùngnhằm trang bị cho các bên liên quan chính những hiểu biết phù hợp để thúc đẩy sự phát triển của thực phẩm có thể truy xuất nguồn gốc.

Dữ liệu được thu thập thông qua phỏng vấn trực tiếp bằng bảng câu hỏi có cấu trúc với phương pháp chọn mẫu mục tiêu vào tháng 01năm 2022. Đối tượng khảo sát là những người dân đã tiêu dùng thủy sản truy xuất nguồn gốc đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh.

Kết quả nghiên cứu đã cho thấy ý định tiêu dùng của khách hàng đối với sản phẩm thủy sản truy xuất nguồn gốc được hình thành chủ yếu dựa trên thái độ của họ. Mặc dù vậy, các chuẩn mực chủ quan lại cho thấy tác động gián tiếp đếný định thông qua thái độ. Nghiên cứu cũng cho thấy ý định là tiền đề cho việc thực hiện một hành vi tiêu dùng thủy sản truy xuất nguồn gốc.  Tuy nhiên, nhận thức kiểm soát hành vi là độnglực lớn hơn dẫn đến hành vi tiêu dùng thật sự. Nghiên cứu này, cũng như mọi nghiên cứu khác đều có những hạn chế của nó. Đầu tiên, tất cả dữ liệu trong phân tích chỉ giới hạn ở những đáp viên đang sống ở TP. Hồ Chí Minh do hạn chế về thời gian, kinh phí cũng như chính sách giãn cách xã hội của chính phủ do đại dịch COVID-19. Điều này rõ ràng làm giảm tính khái quát của mô hình và nó hầu như không đại diện cho tất cả người Việt Nam. Thiết kế nghiên cứu cắt ngang mặc dù tăng tính khả thi và ít tốn kém hơn so với thiết kế theo chiều dọc lại bị hạn chế về bản chất là chỉ thu thập dữ liệu tự báo cáo hơn là hành vi thực tế có thể được thu thập thông qua các thí nghiệm hoặc quan sát tại chỗ. Điều này tạo nên hạn chế thứ hai của nghiên cứu và có thể làm giảm khả năng dự đoán của mô hình. Thứ ba, với việc chỉ tập trung vào những người đã tiêu dùng thủy sản truy xuất nguồn gốc nghiên cứu này hữu ích trong việc xác định các yếu tố quan trọng thúc đẩy hành vi mua hàng, tuy nhiên không thể giải  thích tại sao những người khác không sử dụngsản phẩm này. Do đó, nhóm tác giả kêu gọi có thêm nhiều nghiên cứu trong tương lai để đào sâu hơn những hiểu biết để làm rõ vấn đề này.

ltnhuong
Theo Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Số 4 (2022)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
 
Các nhà khoa học ghi lại được vụ nổ tia gamma hiếm gặp do sét đánh
Nghiên cứu gần đây được đăng trên tạp chí Science Advances đã mang lại những hiểu biết mới đầy thú vị về hiện tượng sét và các hiện tượng liên quan trong khí quyển. Các nhà khoa học từ Đại học Osaka lần đầu tiên quan sát được một vụ nổ bức xạ mạnh gọi là tia gamma trên mặt đất (TGF) xảy ra đồng thời với tia sét trong quá trình phóng điện sét.


 
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->