Sầu riêng (Durio zibethinusMurr.) là cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao, là một trong12 loại cây ăn quả được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy hoạch trồng tập trung ở NamBộ (Tran & Tran, 2020). Tiền Giang và Bến Tre là hai tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn của vùng Tây Nam bộ lần lượt là 77.741 ha (PCTGP, 2019) và 28.283 ha (DCP, 2019). Đây cũng là hai địa phương có lịch sử canh tác cây sầu riêng từ lâu đời, hình thành vùng chuyên canh nổi tiếng như xã Ngũ Hiệp hay xã Cái Mơn. Cây sầu đóng vai trò là cây trồng chủ lực, giúp nâng cao đời sống vật chất cho người dân địa phương. Sầu riêng có khả năng ra hoa tự nhiên, tuy nhiên giá cả không cao nếu thu hoạch theo vụ thuận. Do vậy, nông dân xử lý ra hoa trái vụ cho cây sầu riêng nhằm mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Cây sầu riêng ra hoa tự nhiên vào tháng 11đến tháng 12 dương lịch, tuy nhiên để có thể thu hoạch quả trái vụ, người nông dân thường tiến hành xử lý ra hoa vào tháng 6 đến tháng 7. Có nhiều biện pháp được áp dụng để xử lý ra hoa cho cây sầu riêng, trong đó việc sử dụng (PBZ)để xử lý ra hoa cho cây sầu riêng được xem là biện pháp mang lại hiệu quả cao và được người trồng áp dụng phổ biến. Paclobutrazol (PBZ) là một dẫn xuất triazole ức chế sinh tổng hợp sterol và gibberellin ở thực vật (Vaz & ctv., 2015). Phun PBZ ở nồng độ 1.000 và 1.500 ppm có tác dụng kích thích cho sầu riêng ra hoa sớm hơn từ 7 đến 15 ngày so với không xử lý; tăng số chùm hoa/cây và tỷ lệ số cành hoa dẫn đến tăng năng suất số trái/cây và năng suất từ 22,5% (Tran &ctv., 2001). Tuy nhiên, PBZ là hợp chất khó phân hủy trong điều kiện môi trường tự nhiên, có khả năng dẫn đến các tác động tiêu cực đến môi trường, đặc biệt là hệ vi sinh vật trong đất. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, PBZ có khả năng tồn lưu trong đất do tính linh động thấp, ảnh hưởng đến cây trồng ở vụ tiếp theo cũng như gây ô nhiễm nguồn đất, nước ở khu vực canh tác, làm suy giảm độ phì nhiêu và cân bằng sinh học trong đất (Chand& Lembi, 1994; Vaz & ctv., 2012; Jiang & ctv.,2019). Vì vậy, điều tra hiện trạng sử dụng và phân tích hàm lượng PBZ tồn dư trong đất là cần thiết, tạo tiền đề cho các nghiên cứu ứng dụng vi sinhvật để phân giải hàm lượng PBZ tồn dư trong đất.
Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu đánh giá hiện trạng sử dụng PBZ để xử lý ra hoa cho cây sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre và phân tích hàm lượng PBZ tồn dư trong đất để làm cơ sở cho việc khuyến cáo sử dụng PBZ. Ở mỗi tỉnh, tiến hành điều tra 60 hộ bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp với câu hỏi soạn sẵn. Sau đó, chọn ra 15 hộ có thời gian sử dụng PBZ liên tục ít nhất 5 năm trong canh tác sầu riêng để tiến hành lấy mẫu đất ở các độ sâu 0 đến 20, 20 đến 40 và 40 đến 60 cm tại vị trí mép tán và 12 đường kính tán để phân tích hàm lượng PBZ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tại tỉnhTiền Giang có 65,0% và tỉnh Bến Tre có 18,3% hộ sử dụng PBZ cao hơn nồng độ khuyến cáo, nồng độ PBZ trung bình được sử dụng lần lượt là 1.816 ppm và 1.240 ppm. Hàm lượng trung bình PBZ tồn dư cao nhất trong đất được lấy ở vị trí mép tán ở độ sâu 0 đến 20 cm, đạt 1,036 mg/kg (Tiền Giang) và 0,480 mg/kg (Bến Tre). Không phát hiện sự tồn dư PBZ trong mẫu đất được thu thập vị trí 1/2 đường kính tán lá ở độ sâu từ 40 đến 60 cm. |