Cây sắn (Manihot esculentaCrantz) là cây lấy củ được sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu cho ngành công nghiệp. Từ gần ba thập kỷ qua, cây sắn đã được chuyển đổi vai trò từ cây lương thực, thực phẩm thành cây công nghiệp hàng hóa có lợi thế cạnh tranh cao và được dự báo sản lượng sắn sẽ tiếp tục phát triển do nhu cầu nguồn nhiên liệu sinh học tăng cao (Hillocks & ctv.,1994). Tuy nhiên, năng suất và chất lượng sắn đang bị giảm mạnh do sự tấn công của nhiều loại dịch hại khác nhau (Hy &ctv., 2020). Trong đó, bệnh khảm lá sắn (CassavaMosaic Disease - CMD) là một trong những bệnh nguy hiểm trên thế giới và Việt Nam (Uke & ctv.,2018), bệnh này đã làm giảm năng suất sắn từ 15% - 24% tại Châu Phi (Thresh & ctv., 1997). Theo thống kê của DPP (2020), diện tích trồng sắn của cả nước khoảng 524,5 nghìn ha trong đó có gần 54 nghìn ha đã bị nhiễm bệnh khảm lá sắn phân bố ở ít nhất 20 tỉnh, thành phố và đang có chiều hướng lan rộng, khó kiểm soát. Cho đến nay, để kiểm soát bệnh khảm lá sắn chủ yếu là dùng các giống sạch bệnh và kiểm soát côn trùng môi giới - bọ phấn trắng Bemisia tabaci(Thresh & Cooter, 2005). Để phục vụ sản xuất đại trà, việc phát triển kỹ thuật nhân giống sạch bệnh với chất lượng tốt, sản lượng cao là nhu cầu cấp bách. Phương pháp nhân giống in vitro được xem là phương pháp tối ưu và được khuyến cáo áp dụng để sản xuất giống sạch bệnh (Hamill,2014), đặc biệt trên cây sắn và có thể sản xuất số lượng lớn cây giống trong thời gian ngắn (Escobar& ctv., 2013a). Nghiên cứu biện pháp giâm cành in vitro đã được nhóm nghiên cứu thực hiện và xác định được môi trường nuôi cấy MS bổ sung 1 mg/L BA giúp cây phát triển chồi và số lá. Bên cạnh đó, việc kết hợp 0,07 mg/L NAA và 0,03 mg/L GA kích thích sự ra rễ của cây sắn in vitro. Tuy nhiên, sau khi cây giống được tạo ra trong điều kiện tối ưu về dinh dưỡng và môi trường nuôi cấy, việc huấn luyện cây con trong giai đoạn vườn ươm để có được những cây giống khỏe mạnh đạt tiêu chuẩn và có tỷ lệ xuất vườn cao là rất cần thiết, đặc biệt là việc nghiên cứu giá thể phù hợp cho cây con giai đoạn này để tiếp tục hoàn thiện quy trình nhân giống. Vì vậy, nghiên cứu đã sử dụng các giá thể mụn dừa, tro trấu và phân trùn, là những nguyên liệu sẵn có từ địa phương, chi phí thấp nhằm xác định tỷ lệ phối trộn giữa mụn dừa, tro trấu và phân trùn phù hợp cho sự sinh trưởng và tỷ lệ xuất vườn của cây sắn KM140 sạch bệnh.
Trong nghiên cứu này các loại giá thể phổ biến như xơ dừa, tro trấu, phân trùn đã được phối trộn theo các tỷ lệ khác nhau để tạo ra các công thức giá thể sử dụng cho giai đoạn vườn ươm của cây sắn KM140 sạch bệnh, Từ đó chọn ra được công thức giá thể phù hợp với sự sinh trưởng và tỷ lệ xuất vườn của cây sắn KM140 sạch bệnh. Các chỉ tiêu về chiều cao cây, số lá, đường kính thân, chiều dài rễ, tỷ lệ chất khô thân lá, rễ, tỷ lệ sống và tỷ lệ xuất vườn của cây sắn KM140 đã được đánh giá. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sau 2 tuần cây sắn được chuyển từ môi trường nuôi cấy mô (in vitro) sang giai đoạn vườn ươm (exvitro) có tỷ lệ sống là 84,5%. Giá thể với tỷ lệ phối trộn: 85% MD + 10% TT + 5% PT thích hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của cây sắn KM140 với chiều cao đạt 38,8 cm, 22,0 lá, và tỷ lệ xuất vườn đạt 85,3%. |