Nghiên cứu [ Đăng ngày (18/06/2023) ]
Nghiên cứu hiện trạng và nhu cầu nước tưới phục vụ trồng cây ăn quả lâu năm trên địa bàn huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai
Nghiên cứu do nhóm tác giả Dương Quỳnh Yến Thy, Nguyễn Vũ Đức Thịnh, Trần Thị Thanh Hương và Lê Quốc Tuấn thuộc khoa Môi Trường và Tài Nguyên và Khoa Khoa Học Trường Đại Học Nông Lâm TP.HCM thực hiện.

Huyện Định Quán là một huyện nông nghiệp miền núi nằm về phía Đông Bắc của tỉnh Đồng Nai, dọc theo Quốc lộ L.20 - nối Quốc lộ 1A, nối liền giữa Thành phố Hồ Chí Minh với Đà Lạt (hai trung tâm hành chính thương mại hàng đầu của miền Đông Nam Bộ và Cao Nguyên Lâm Đồng) góp phần tạo mối giao lưu kinh tế văn hóa giữa các trung tâm kinh tế phía Nam. Với khoảng 80% dân số sống ở nông thôn và có hàng chục ngàn hecta đất canh tác cây ăn trái, rau củ,... huyện Định Quán xác định phát triển nông nghiệp vẫn là trọng tâm trong thời gian tới (Minh, 2019). Những năm qua, cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới và những chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp thì huyện Định Quán cũng đã khai thác tốt tiềm năng và lợi thế của địa phương để phát triển nông nghiệp và cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đã và đang ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ đến tài nguyên nước cho cả khu vực Đông Nam Bộ nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng. Bên cạnh đó, do địa hình tự nhiên phức tạp, khó khăn trong việc cơ giới hóa và đầu tư công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân. Do đó, trong những năm gần đây, mặc dù huyện Định Quán được nằm ở vị trí mà sông Đồng Nai và sông La Ngà chảy ngang, nhưng cũng không tránh khỏi tình trạng hạn hán kéo dài, thiếu nước vào mùa khô. Vì vậy, công tác quản lý, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước phục vụ cho nhu cầu tưới tiêu trên địa bàn huyện là thực sự cần thiết. Thuật ngữ sự bốc thoát hơi nước (ET) dùng để mô tả tổng lượng bốc hơi qua bề mặt đất ẩm (10%) và thoát hơi thực vật (90%) lên khí quyển (Le, 2009) trong một thời gian dài để làm sáng tỏ mối quan hệ giữa lượng mưa hàng năm và nhu cầu nước tưới (IWR) (Kosugi & Katsuyama, 2007). Đây là những biến số quan trọng được sử dụng trong quy hoạch nông nghiệp, nghiên cứu cân bằng nước khu vực, phân vùng khí hậu nông nghiệp, lập kế hoạch, thiết kế và vận hành hệ thống tưới tiêu (Landeras & ctv., 2008; Tran &Mark, 2017). Đã có nhiều nghiên cứu về ước tính nhu cầu nước và hệ số cây trồng nhưng chủ yếu được thực hiện cho các loại rau, hoa, củ, và quả(Lozano & ctv., 2016; Singh & ctv., 2016; Nguyen & ctv., 2020); tuy nhiên, các nghiên cứu đối với các loại cây ăn quả lâu năm trong điều kiện Việt Nam nói chung và của huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai nói riêng đến nay còn rất hạn chế. Xuất phát từ những nhu cầu trên, nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định lượng bốc thoát hơi nước và nhu cầu nước tưới của một số loại cây ăn trái lâu năm canh tác chủ yếu tại khuvực huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Kết quả của nghiên cứu này sẽ phục vụ cho lập kế hoạch tưới tiêu hợp lý và quản lý nguồn tài nguyên nước hiệu quả tại khu vực nghiên cứu.

Khảo sát được tiến hành từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2020 tại 03 xã: La Ngà, Ngọc Định và Thanh Sơn, thuộc huyện Định Quán, tỉnh ĐồngNai. Đây là khu vực trồng cây lâu năm như quýt, xoài, chuối,... chủ lực của huyện Định Quán.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong hoạt động canh tác các loại cây ăn quả lâu năm (quýt, xoài và chuối) ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, nguồn nước tưới chủ yếu được sử dụng từ nước dưới đất và nông dân đang sử dụng lượng nước tưới vượt nhu cầu thực tế của cây trồng. Xét trong bối cảnh lâu dài, hiện trạng và tập quán này sẽ dẫn đến nguy cơ suy giảm trữ lượng nước dưới đất, đặc biệt là vào mùa khô. Tổng lượng nước cần tưới trong năm của cây quýt, xoài và chuối tại huyện Định Quán được xác định lần lượt là 592,6 mm, 473,0 mm và 976,4mm, tương ứng với 5.926 m3/ha, 4.730 m3/ha và 9.764 m3/ha. Từ đó, nhu cầu nước tưới trong năm của khu vực nghiên cứu được xác định khoảng 46 triệu m3cho việc canh tác xoài, chuối và quýt, tập trung chủ yếu vào mùa khô (chiếm hơn 95%). Nếu áp dụng những biện pháp tưới tiêu hiệu quả theo kết quả tính toán IWR, có thể tiết giảm được 8 triệu m3 nước tưới so với lượng nước tưới thực tế được ước tính hiện nay. Việc xác định nhu cầu nước tưới cho cây ăn quả lâu năm như chuối, xoài, quýt là cơ sở quan trọng trong công tác quản lý nước tưới tiêu và hoạch định chiến lược cơ cấu cây trồng của địa phương.

ltnhuong
Theo Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Số 2 (2022)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
 
Các nhà khoa học ghi lại được vụ nổ tia gamma hiếm gặp do sét đánh
Nghiên cứu gần đây được đăng trên tạp chí Science Advances đã mang lại những hiểu biết mới đầy thú vị về hiện tượng sét và các hiện tượng liên quan trong khí quyển. Các nhà khoa học từ Đại học Osaka lần đầu tiên quan sát được một vụ nổ bức xạ mạnh gọi là tia gamma trên mặt đất (TGF) xảy ra đồng thời với tia sét trong quá trình phóng điện sét.


 
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->