Nghiên cứu [ Đăng ngày (17/06/2023) ]
Đánh giá độ an toàn và hiệu quả của vắc-xin nhược độc phòng bệnh Gumboro khi áp dụng cho gà con mới nở tại trạm ấp
Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Thị Kiều Oanh, Nguyễn Mạnh Hổ, Nguyễn Văn Đồng và Quách Tuyết Anh của Khoa Chăn Nuôi Thú Y, Trường Đại Học Nông Lâm TP.HCM, TP. Hồ Chí Minh thực hiện.

Gumboro là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virút gây viêm túi Bursa (Infectious Bursal Disease- IBD) gây ra, bệnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế do tỷ lệ chết cao, giảm tăng trưởng, gây suy giảm miễn dịch tế bào và dịch thể của gà (Sharma & ctv., 2000). Hơn nữa, IBD còn làm tăng tính nhạy cảm của gà đối với các bệnh nhiễm trùng khác. Bệnh do vi rút gây ra nên vắc-xin là giải pháp hữu hiệu để phòng bệnh (Van denBerg & ctv., 2000). Hiện nay, trên thị trường có 3 loại vắc-xin được sử dụng để phòng ngừa bệnh này là vắc-xin nhược độc (vắc-xin truyền thống được phát triển sớm nhất), vắc-xin vector và vắc-xin phức hợp miễn dịch. Trong đó, vắc-xin nhược độc là công cụ hiệu quả trong kiểm soát bệnh Gumboro trong nhiều năm qua (Van den Berg& ctv., 2000; M ̈uller & ctv., 2012; Eterradossi &Saif, 2013). Loại vắc-xin truyền thống này giúp bảo vệ gà từ khi vi rút vắc-xin định vị và nhân lên ở túi Bursa, sau đó kích thích đáp ứng miễn dịch chủ động của gà nhanh và mạnh mẽ. Hơn nữa, sự bài thải vi rút vắc-xin ra ngoài môi trường giúp tăng khả năng tiếp cận vắc-xin đối với toàn đàn, góp phần làm tăng độ đồng đều miễn dịch và cũng giảm được áp lực vi rút IBD môi trường (Gomes & ctv., 2015). Tuy nhiên, sự can thiệp của kháng thể mẹ truyền (MDA) gây khó khăn đối với việc chọn thời điểm thích hợp để áp dụng vắc-xin sống nhược độc cho gà con chống lại bệnh Gumboro (Boudaoud & ctv., 2016). Vì vậy, công nghệ vắc-xin áp dụng tại trạm ấp bao gồm vắc-xin vector và vắc-xin phức hợp miễn dịch đã đượcphát triển để hạn chế sự trung hòa của MDA (Ray& ctv., 2021) và tương đối an toàn với nguyên bào Lympho B (Haddad & ctv., 1997; Perozo và ctv.,2009). Tuy nhiên, cả hai loại vắc-xin này có nhược điểm là chậm khởi phát miễn dịch (Jeuriseen &ctv., 1998; Iván & ctv., 2005; Ray & ctv., 2021), gây ra trở ngại trong việc đối phó với tình trạng gà bị nhiễm các chủng vi rút IBD lưu hành với nhiều biến thể kháng nguyên độc lực rất cao hiện nay (Kurukulasuriya & ctv., 2017). Trước những mong muốn ứng dụng được những ưu điểm về khả năng bảo hộ của vắc-xin IBD nhược độc và tận dụng lợi thế làm vắc-xin ở trạmấp để đem lại một giải pháp phòng bệnh Gum-boro mới hơn và hiệu quả được cải thiện hơn thì vắc-xin nhược độc MB-1 tiêm cho gà con mới nở ra đời. Cơ chế của vắc-xin này là tự điều chỉnh sự nhân lên của vi rút vắc-xin ở túi Bursa linh hoạt theo sự biến động của MDA, từ đó đảm bảo từng con gà đều được chủng ngừa đúng thời điểm vàvi rút vắc-xin MB-1 cũng không gây tổn thương vĩnh viễn đối với phản ứng miễn dịch của những con gà này (Ray & ctv., 2021). Tuy nhiên, việc nghiên cứu sử dụng vắc-xin MB-1 cho giống gà Lương Phượng ở Việt Nam chưa được thực hiện trước đây. Do đó, mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá tính hiệu quả và an toàn của vắc-xin MB-1 trên đối tượng gà này ở nước ta trong điều kiện chăn nuôi công nghiệp.

Thí nghiệm đã được tiến hành từ tháng 12/2020 đến tháng 2/2021 tại trại gà HoàngThanh Trà thuộc xã Gia Tân 2, huyện ThốngNhất, tỉnh Đồng Nai. Tổng 27.700 gà Lương Phượng 1 ngày tuổi đã tiêm vắc-xin MB-1 với liều 0,1 mL/con dưới da tại trạm ấp. Sau đó gà được phân bố hoàn toàn ngẫu nhiên vào 4 chuồng nuôi kiểu sàn hở. Khầu phần ăn của gà nuôi trong 4 chuồng là như nhau. Những vắc-xin trong thí nghiệm được áp dụng tuân theo quy trình của trại. Trong đó, vắc-xin cúm H5N1 Re– 06 được cung cấp và khuyến cáo tiêm theo yêu cầu của cơ quan Thú y địa phương. Các vắc-xin khác được sản xuất bởi Phibro Animal Health.

Kết quả cho thấy hiệu giá kháng thể (HGKT) IBD mẹ truyền ngay ngày chủng là 4857. Vi rút vắc-xin MB-1 đã định vị trong túi Bursa từ 24 đến 36 ngày tuổi. Điểm mô bệnh học vi thể của túi Bursa (BLS) ở mức trung bình; tăng dần từ 0,67 đến 3 điểm và giảm với dấu hiệu phục hồi còn 2,33 điểm ở 36 ngày tuổi. Chỉ số tỷ lệ túi Bursa (BI) ở 21 ngày tuổi là 0,39% và giảm còn 0,1% ở thời điểm 36 ngày tuổi. Khả năng đáp ứng miễn dịch dịch thể với việc chủng ngừa vắc-xin ND cao, đạt HGKT là 4.448 ở 42 ngày tuổi. Đặc biệt, HGKT kháng IBD phát triển tốt và đồng đều, đạt HGKT là 3.632 và hệ số biến động chỉ ở mức 22%. Tóm lại, việc sử dụng vắc-xin MB-1 chủng cho gà con 1 ngày tuổi cho sự định vị của vi rút vắc-xin ở túii Bursa sớm từ đó phát triển kháng thể chủ động IBD nhanh và đồng đều. Vắc-xin MB-1 hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc đáp ứng miễn dịch với vắc-xin ND và và an toàn cho túi Bursa khi áp dụng cho gà thịt thương phẩm ở trạm ấp.

ltnhuong
Theo Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
 
Các nhà khoa học ghi lại được vụ nổ tia gamma hiếm gặp do sét đánh
Nghiên cứu gần đây được đăng trên tạp chí Science Advances đã mang lại những hiểu biết mới đầy thú vị về hiện tượng sét và các hiện tượng liên quan trong khí quyển. Các nhà khoa học từ Đại học Osaka lần đầu tiên quan sát được một vụ nổ bức xạ mạnh gọi là tia gamma trên mặt đất (TGF) xảy ra đồng thời với tia sét trong quá trình phóng điện sét.


 
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->