Nghiên cứu [ Đăng ngày (29/05/2023) ]
Ảnh hưởng của việc trì hoãn cho ăn lần đầu lên sinh trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng cá khoang cổ cam (Amphiprion percula Lacepède, 1802)
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của việc trì hoãn cho ăn lần đầu đến kết quả ương ấu trùng cá khoang cổ cam.

Ảnh minh họa: Internet

Mặc dù mới được nghiên cứu, phát triển vài năm trở lại đây, nghề nuôi cá cảnh biển đã và đang thu hút được sự quan tâm của nhiều người chơi thủy sinh vật cảnh cũng như các nhà nghiên cứu, bảo tồn. Trong tổng số khoảng 338 loài cá cảnh biển (thuộc 37 họ) đang được nuôi, họ cá thia (Pomacentridae) chiếm số lượng lớn nhất với 59 loài, tập trung chủ yếu vào giống cá khoang cổ hay còn gọi là cá hề (Amphiprion). Cho đến nay, đa số các loài trong giống này đã được sản xuất giống thành công. Ở Việt Nam, cá khoang cổ cũng là nhóm cá cảnh biển được nghiên cứu sản xuất giống sớm nhất bên cạnh cá ngựa. Bắt đầu với cá khoang cổ đỏ (Amphiprion frenatus), từ năm 2005, các đối tượng khác trong giống cá khoang cổ cũng đã hoàn thiện được quy trình công nghệ sản xuất giống và nuôi thương mại, gồm cá khoang cổ nemo A. ocellaris, khoang cổ cam A. percula và khoang cổ yên ngựa A. polymnus. Tuy nhiên, so với các đối tượng cá biển nuôi làm thực phẩm, nhiều chỉ tiêu kỹ thuật ương của nhóm cá cảnh này vẫn chưa được nghiên cứu, hoàn thiện, trong đó có việc thiết lập chế độ cho ăn tối ưu.

Tỷ lệ sống của ấu trùng, nhất là giai đoạn đầu, phụ thuộc vào nhiều nhóm yếu tố, cả bên trong (chất lượng trứng, ấu trùng) và bên ngoài (môi trường và kỹ thuật ương). Ở nhóm thứ nhất, chất lượng ấu trùng được xác định là có liên quan mật thiết với chất lượng cá bố mẹ. Trong khi đó, ở nhóm thứ hai, chế độ cho ăn, kỹ thuật quản lý môi trường, phòng trị bệnh đóng vai trò quan trọng. Trong số này, chế độ cho ăn, bao gồm thành phần, chất lượng dinh dưỡng và thời điểm cho ăn, được chứng minh là có ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng, phát triển và tỷ lệ sống của ấu trùng. Sau khi nở, ấu trùng trải qua giai đoạn dinh dưỡng bằng noãn hoàng dự trữ trước khi bắt đầu ăn thức ăn ngoài. Việc xác định chính xác thời điểm bắt đầu cho ăn, khi ấu trùng tiêu hết noãn hoàng và mở miệng là hết sức cần thiết nhằm kịp đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của chúng. Tuy nhiên, thời điểm này có sự dao động lớn, từ vài giờ tới vài tuần, tùy thuộc vào loài cá, đồng thời, bị chi phối bởi các yếu tố môi trường, nhất là nhiệt độ nước.

Xác định chính xác thời điểm cho ăn có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện kết quả ương ấu trùng, nhất là đối với những đối tượng được nghiên cứu lần đầu. Việc cung cấp thức ăn quá sớm có thể gây suy giảm chất lượng nước trong khi cung cấp quá muộn lại làm ấu trùng không thể phục hồi và phát triển bình thường được. Thời điểm bắt đầu cho ăn không thích hợp được chứng minh là ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng, tỷ lệ sống, quá trình biến thái ấu trùng, và sự hình thành cũng như hoàn thiện chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể. Nghiên cứu về ảnh hưởng của thời điểm cho ăn hay việc trì hoãn cho ăn lần đầu đã được đề cập trên một số loài cá, tuy nhiên, vẫn còn khá hạn chế trên nhóm cá cảnh biển. Trên cá khoang cổ đỏ và cam, Trần Thị Lê Trang và các cộng sự (2022) và Dhaneesh và các cộng sự (2012) đã kết luận 12 giờ sau nở là thời điểm thích hợp cung cấp thức ăn cho ấu trùng. Điều này khá thuận lợi trong quá trình sản xuất do phôi thường nở vào buổi tối (18h00 – 20h00) và ấu trùng được cho ăn vào sáng ngày hôm sau (7h00 - 8h00), tương ứng với khoảng 10 – 12 tiếng sau khi nở. Tuy nhiên, khoảng thời gian trong hai nghiên cứu này (12, 24, 36 và 48 giờ) là khá dài với các loài có thời gian tiêu hết noãn hoàng ngắn như cá khoang cổ. Do đó, ảnh hưởng của việc trì hoãn cho ăn lên kết quả ương ấu trùng trong khoảng 12 giờ tiếp theo (từ 6h00 – 18h00) như thế nào cần được làm sáng tỏ. Ngoài ra, một số chỉ tiêu chưa được xác định trong nghiên cứu của Dhaneesh và các cộng sự (2012) như tốc độ tăng trưởng, hệ số phân đàn, tỷ lệ hoàn tất biến thái và tỷ lệ sống của ấu trùng, nhất là cho đến khi ấu trùng hoàn tất biến thái, khoảng 20 ngày thay vì 10 ngày, cũng cần được xác định.

iệc trì hoãn cho ăn có ảnh hưởng lớn đến kết quả ương ấu trùng cá khoang cổ cam. Trong đó, cá được bắt đầu cho ăn vào thời điểm 12 giờ sau khi nở đạt các chỉ tiêu tăng trưởng (chiều dài, khối lượng), hệ số phân đàn, tỷ lệ sống và sự hình thành các sọc trắng trên thân tốt nhất. Càng kéo dài thời điểm bắt đầu cho ăn, các chỉ tiêu đạt được càng giảm, và thấp nhất ở nghiệm thức được cho ăn vào thời điểm 24 giờ sau khi nở. Các nghiên cứu tiếp theo nên đánh giá sâu hơn ảnh hưởng của việc trì hoãn cho ăn lên các biến đổi mô học ống tiêu hóa, thành phần sinh hóa và enzyme của cá khoang cổ cam.

nnttien
Theo Tạp chí KH - CN Thủy sản Trường ĐH Nha Trang, Số 3/2022
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
 
Các nhà khoa học ghi lại được vụ nổ tia gamma hiếm gặp do sét đánh
Nghiên cứu gần đây được đăng trên tạp chí Science Advances đã mang lại những hiểu biết mới đầy thú vị về hiện tượng sét và các hiện tượng liên quan trong khí quyển. Các nhà khoa học từ Đại học Osaka lần đầu tiên quan sát được một vụ nổ bức xạ mạnh gọi là tia gamma trên mặt đất (TGF) xảy ra đồng thời với tia sét trong quá trình phóng điện sét.


 
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->