Ảnh minh họa: Internet
Nhum sọ hay Cầu Gai sọ dừa Tripneustes gratilla (Linnaeus, 1758) là loài nhiệt đới, sống đáy, độ sâu 0-75m. Chúng phân bố ở vùng giữa triều đến dưới triều. Chúng sống trong các môi trường sống khác nhau, trong các thảm cỏ biển nông ở độ sâu từ 1 - 30m, cũng bắt gặp trong các vùng đáy cát có các mảnh đá vụn, san hô và vùng rạn san hô. Tại Quảng Ngãi nói chung và vùng biển Lý Sơn nói riêng, nhum biển sống rất nhiều ở vùng nước nông, bãi triều. Đây là loài được xem như là đặc sản ở vùng này với giá bán trung bình khoảng 30.000 – 40.000đ/ con. Hiện nay, lượng du khách đến Lý Sơn tăng lên đáng kể, nhu cầu tiêu thụ nhum biển như là đặc sản tại địa phương ngày càng tăng làm ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn lợi này.
Loài này được biết đến là loài tăng trưởng nhanh, kích thước cá thể lớn và có giá trị kinh tế cao (Shimabukuro, 1982). Đây là đối tượng được cho là sở hữu một triển vọng như là một tác nhân kiểm soát sinh học (Stimson và cs, 2007). Bản thân chúng chứa các hợp chất hoạt tính sinh học hữu ích cho việc khám phá ra các loại thuốc và nghiên cứu dược lý (Takei và cs,1991; Nakagawa và cs, 2003). Tuyến sinh dục của của chúng được ví như một đặc sản bổ dưỡng, có hàm lượng protein cao (15,8%) và dùng để chế biến món trứng sống sushi của người dân Nhật Bản (Lawrence, 2001). Ngoài việc sử dụng trứng làm thức ăn có chất lượng dinh dưỡng cao, vỏ Nhum sọ có thể làm thuốc bắc chữa mệt mỏi đau nhức, giải nhiệt chống viêm; bột vỏ của chúng dùng làm phân bón rất tốt; đặc biệt loài này được xem là sinh vật chỉ thị sự ô nhiễm môi trường nước biển (Naidenko, 1997).
Ở Việt Nam, Nhum sọ Tripneustes gratilla phân bố dọc các vùng ven biển miền Trung, chúng thường ở trong các rạn san hô hoặc bãi đá ngầm, độ sâu khoảng từ 4-5m, nơi có nhiều rạn lớn phát triển tốt (Phạm Thị Dự, 2001). Loài này chưa được quan tâm nghiên cứu nhiều, đa số các công bố chỉ ghi nhận sự hiện diện và hiên trạng khai thác của loài này trong các thủy vực: Dawydoff (1952), Đào Tấn Hổ (1991, 1996), Hoàng Xuân Bền & Hứa Thái Tuyến (2010), Thái Minh Quang & cs. (2018); về sinh hóa của Lâm Ngọc Trâm (1993); về đặc điểm sinh học sinh sản ở vịnh Nha Trang (Phạm Thị Dự, 2001).
Bài báo là những kết quả bước đầu về nghiên cứu về đặc điểm sinh trưởng, sinh sản của Nhum sọ ở vùng ở vùng biển Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, nhằm cung cấp dữ liệu quan trọng liên quan đến tăng trưởng, các giai đoạn phát triển tuyến sinh dục, tỷ lệ giới tính, mùa vụ sinh sản, kích thước thành thục sinh dục… Đây là cơ sở để đề xuất các giải pháp quản lý, bảo vệ và khai thác bền vững Nhum sọ ở vùng biển này.
Nhum sọ khai thác ở vùng biển Lý Sơn (Quảng Ngãi) có đường kính vỏ trung bình 65,30 ± 15,75 mm, chiều cao vỏ 39,22 ± 28,72mm, khối lượng 73,40 ± 47,53g. Sự tương quan chặt chẽ giữa kích thước và khối lượng nhum được thể hiện qua các phương trình: W = 0,003L2,3845, hệ số tương quan R2 = 0,78 (R = 0,88) và W = 0,0056L2,545, hệ số tương quan R2 = 0,75 (R = 0,87). Nhum sọ ở vùng nghiên cứu có tỷ lệ đực cái là 1,00:1,38; chúng thành thục sinh dục lần đầu ở đường kính vỏ 63,39 mm. Loài này sinh sản quanh năm,
mùa vụ sinh sản chính từ tháng 8 đến tháng 4 và rộ nhất từ tháng 1, sức sinh sản tuyệt đối F = 38,13 x.106 ± 1,96 x 106 trứng. |