Nghiên cứu [ Đăng ngày (29/05/2023) ]
Ảnh hưởng của hàm lượng chất màu chiết xuất từ củ dền (Beta vulgaris) bổ sung vào thức ăn lên sinh trưởng và màu sắc của cá khoang cổ nemo (Amphiprion ocellaris Cuvier, 1830)
Thí nghiệm một nhân tố được thiết kế theo kiểu ngẫu nhiên hoàn toàn trong thời gian 75 ngày nhằm đánh giá ảnh hưởng của hàm lượng chất màu, chiết xuất từ củ dền, bổ sung vào thức ăn lên kết quả nuôi cá khoang cổ nemo.

Ảnh minh họa: Internet

Nghề nuôi cá cảnh biển ngày càng thu hút được sự quan tâm của người nuôi, các nhà nghiên cứu và bảo tồn. Cá khoang cổ hay còn gọi là cá hề (Amphiprion), thuộc họ cá Thia biển (Pomacentridae), gồm khoảng 30 loài phân bố ở các rạn san hô thuộc vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương. Cá khoang cổ nemo (Amphiprion ocellaris) là loài được ưa chuộng nhất trên thị trường nhờ màu sắc đẹp, khả năng thích nghi cao với điều kiện nuôi và tập tính sống cộng sinh với hải quỳ. Ở Việt Nam, cá khoang cổ nemo cũng đã được sản xuất giống thành công tiếp sau cá khoang cổ đỏ (A. frenatus) bởi Viện Hải Dương học Nha Trang. Cho đến nay, số lượng con giống đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu thị trường, tuy nhiên, chất lượng (màu sắc) của nguồn cá này đang là một trong những thách thức lớn hiện nay. So với nguồn cá tự nhiên hay nguồn cá được cho ăn thức ăn bổ sung sắc tố, nguồn cá sản xuất nhân tạo có màu nhạt và giá trị thấp hơn. Kết quả so màu theo thang clownfi sh exercise cho thấy điểm số ở nghiệm thức đối chứng thấp hơn nhiều so với nghiệm thức bổ sung chất astaxanthin (270 mg/kg thức ăn), chỉ 2 – 3 điểm so với 8 – 9 điểm. Tương tự, chỉ số a* (cam – đỏ; Minolta) của cá đối chứng (23 ± 6) cũng thấp hơn đáng kể so với cá được cho ăn thức ăn bổ sung astaxanthin 0,5% (41 ± 6). Trong khi đó, màu sắc là một trong những nhân tố quyết định giá trị và khả năng tiêu thụ của cá cảnh trên thị trường. Điều này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và tính bền vững của nghề nuôi cá khoang cổ nói riêng và cá cảnh biển nói chung. Do đó, việc nghiên cứu các giải pháp cải thiện màu sắc của cá cảnh biển trong điều kiện nuôi là hết sức cần thiết.

Màu sắc của cá cảnh được quy định bởi gen và tuân theo các quy luật di truyền. Tuy nhiên, kiểu hình thể hiện ra bên ngoài là kết quả của sự tương tác giữa kiểu gen và môi trường. Trong đó, môi trường, đặc biệt là dinh dưỡng được xác định là đóng một vai trò quan trọng. Trong khi việc cải thiện màu cá bằng các công nghệ di truyền khó thực hiện và cần thời gian dài, các giải pháp bổ sung dinh dưỡng hay thay đổi môi trường tỏ ra đơn giản và hiệu quả hơn. Các chất màu tự nhiên, tập trung vào 3 nhóm chính gồm carotenoids, betalains và anthocyanins đã được nghiên cứu và sử dụng phổ biến trong các ngành công nghệ thực phẩm và y dược. Đáng chú ý, cá cũng như các loài động vật có xương sống không có khả năng tự tổng hợp lên các chất màu này mà phải lấy trực tiếp từ thức ăn để hình thành nên màu sắc đặc trưng của loài. Việc ứng dụng các nguồn carotenoids đã mang lại thành công trong cải thiện màu sắc ở một số loài cá cảnh cũng như cá dùng làm thực phẩm. Củ dền (Beta vulgaris) là loại thực vật phổ biến, giàu dinh dưỡng, được trồng ở nhiều nơi trên thế giới với sản lượng ước tính lên tới 275 triệu tấn/năm. Chúng chứa một lượng lớn các chất có hoạt tính sinh học cao gồm sắc tố tự nhiên (carotenoids, betalains...), các chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất [9]. Hàm lượng chất màu trong củ dền có sự thay đổi tùy theo vùng địa lý và điều kiện canh tác, riêng betalain, có thể dao động từ 200 – 2.100 mg/kg khối lượng tươi. Cho đến nay, đã có một số nghiên cứu ứng dụng chất màu từ củ dền bổ sung vào thức ăn nuôi cá.

Củ dền được bổ sung vào thức ăn dưới dạng bột thô nguyên liệu và tinh chất hay dịch chiết. Ở dạng bột thô, hàm lượng bổ sung dao động từ 1 – 20% tổng lượng thức ăn. Trong khi đó, ở dạng tinh chất hay dịch chiết, hàm lượng bổ sung chỉ từ 50 – 400 mg/kg thức ăn. Kết quả bước đầu cho thấy việc bổ sung chất màu từ củ dền giúp cải thiện đáng kể màu sắc (cả màu da/ cơ thịt và hàm lượng carotenoids tích lũy) ghi nhận trên một số loài như: cá chép (Cyprinus carpio), cá hồi (Schizothorax richardsonii), cá kiếm đỏ (Xiphophorus helleri), cá oscar (Astronotus ocellatus).... Một số nghiên cứu sâu hơn cũng ghi nhận các tác động tích cực lên tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống, hiệu quả sử dụng thức ăn và khả năng miễn dịch ở cá. Trên cá xảm (Barilius bendelisis) việc bổ sung bột củ dền 10% đã giảm hệ số FCR (từ 2,96 xuống 1,59), nâng cao tốc độ tăng trưởng (SGRW, tăng từ 1,09% lên 1,65%) và hàm lượng carotenoids tich lũy (tăng từ 2,09 µg/g lên 3,68 µg/g). Mặc dù vậy, cho đến nay, các nghiên cứu ứng dụng chất màu từ củ dền trên cá khoang cổ nói chung và cá nemo nói riêng vẫn còn rất hạn chế. Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá khả năng cũng như hàm lượng bổ sung thích hợp của loại nguyên liệu này lên kết quả nuôi cá khoang cổ nemo.

Hàm lượng chất màu bổ sung từ củ dền vào thức ăn có ảnh hưởng rõ rệt đến tốc độ tăng trưởng chiều dài, khối lượng (LG, WG, SGRL, SGRW), hệ số phân đàn (CVL, CVW), hiệu quả sử dụng thức ăn (FCR, FE, PE) và màu sắc da cá (L* , a* , b* ) cũng như hàm lượng carotenoids tích lũy trong cơ thể cá (da và cơ thịt). Trong đó, hàm lượng bổ sung ở mức 350 mg/kg là tối ưu. Việc bổ sung chất màu từ củ dền vào thức ăn không ảnh hưởng đến hệ số điều kiện (K), lượng thức ăn ăn vào (FI) và tỷ lệ sống (SR) của cá.

nnttien
Theo Tạp chí KH - CN Thủy sản Trường ĐH Nha Trang, Số 4/2022
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
 
Các nhà khoa học ghi lại được vụ nổ tia gamma hiếm gặp do sét đánh
Nghiên cứu gần đây được đăng trên tạp chí Science Advances đã mang lại những hiểu biết mới đầy thú vị về hiện tượng sét và các hiện tượng liên quan trong khí quyển. Các nhà khoa học từ Đại học Osaka lần đầu tiên quan sát được một vụ nổ bức xạ mạnh gọi là tia gamma trên mặt đất (TGF) xảy ra đồng thời với tia sét trong quá trình phóng điện sét.


 
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->