Ảnh minh họa: Internet
Thức ăn là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến kết quả ương giai đoạn đầu của ấu trùng cá biển. Trong điều kiện nuôi, với nguồn thức ăn hạn chế, việc thỏa mãn nhu cầu dinh dưỡng cho ấu trùng gặp nhiều khó khăn. Trong số này, luân trùng, Artemia, và Copepoda được sử dụng ngày càng phổ biến nhờ khả năng cung cấp chủ động và kích cỡ phù hợp. Trong khi luân trùng được sử dụng cho giai đoạn đầu thì các giai đoạn khác nhau của Artemia và Copepoda được sử dụng cho đến khi ấu trùng cá biển ăn được thức ăn viên. Chế độ cho ăn không phù hợp, đặc biệt ở giai đoạn bắt đầu dinh dưỡng ngoài, là nguyên nhân gây thiếu hụt dinh dưỡng, làm chậm quá trình phát triển, tăng tỷ lệ dị hình, thậm chí gây chết ấu trùng đã được đề cập trên nhiều đối tượng nuôi, ví dụ cá tráp đỏ (Pagrus major) hay cá bơn vỉ (Paralichthys olivaceus). Mặc dù được sử dụng phổ biến, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng cả luân trùng và Artemia đều thiếu hụt một số thành phần dinh dưỡng thiết yếu, đặc biệt là axít béo không no. Trong khi đó, cá biển nói chung không có khả năng tổng hợp thành phần này mà phải dựa hoàn toàn vào nguồn thức ăn. Để giải quyết vấn đề này, kỹ thuật làm giàu được sử dụng nhằm bổ sung dinh dưỡng. Do tính chủ động, tiện lợi trong quá trình sử dụng và bảo quản, các sản phẩm làm giàu thương mại như Selco, Algamac, A1 DHA... được sử dụng ngày càng phổ biến trong ương ấu trùng cá biển. DHA là một trong những axít béo không no họ n-3 HUFA được chú ý hơn cả và việc bổ sung thành phần này đã được chứng minh là cải thiện đáng kể kết quả ương ấu trùng các loài cá biển [9, 12, 15]. Nhu cầu axít béo không no họ n-3 HUFA có sự khác biệt theo loài, giai đoạn phát triển, dao động từ 0,05 – 4,00%. Cho đến nay, các nghiên cứu về nhu cầu axít béo không no HUFA nói chung và DHA nói riêng trong ương ấu trùng các loài cá khoang cổ vẫn còn rất hạn chế.
Cá khoang cổ cam (Amphiprion percula) thuộc giống cá khoang cổ (Amphiprion, Pomacentridae), phân bố tự nhiên ở các rạn san hô vùng biển nhiệt đới thuộc Ấn Độ - Thái Bình Dương. Cá khoang cổ cam có màu sắc đẹp, giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng nhờ khả năng thích nghi cao với điều kiện nuôi, tập tính sống cộng sinh độc đáo với hải quỳ. Cho đến nay, hầu hết các loài trong giống cá khoang cổ đã được sản xuất giống nhân tạo thành công. Ở Việt Nam, cá khoang cổ cam được sản xuất giống thành công từ năm 2017, nối tiếp sau sự thành công trong sản xuất giống các loài cá khoang cổ đỏ (A. frenatus) và khoang cổ nemo (A. ocellaris). Mặc dù đã được sản xuất giống thành công, tỷ lệ sống trong ương ấu trùng cá khoang cổ cam nói riêng và cá khoang cổ nói chung vẫn còn thấp, dao động từ 40 – 50%. Số lượng và chất lượng con giống vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường. Nguyên nhân được cho là dinh dưỡng trong giai đoạn đầu khi ương ấu trùng cá mới nở chưa được tối ưu hóa. Việc bổ sung các a xít béo không no (HUFA) là một trong những giải pháp hiệu quả để cải thiện tỷ lệ sống và chất lượng ấu trùng ở nhiều loài cá biển như đã phân tích ở trên, tuy nhiên, điều này vẫn chưa được nghiên cứu và ứng dụng trên cá khoang cổ cam. Do đó, việc xác định hàm lượng DHA làm giàu thức ăn sống (luân trùng, Artemia) có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện kết quả ương, qua đó, góp phần hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống nhân tạo loài cá cảnh biển này.
Việc làm giàu thức ăn sống (luân trùng và Artemia) với DHA đã cải thiện đáng kể kết quả ương ấu trùng cá khoang cổ cam. Trong đó, hàm lượng bổ sung 150 mg/L được xác định là tối ưu. |