Tại thành phố Đà Nẵng, BĐKH và nước biển dâng đang ngày càng làm trầm trọng hơn tình trạng xâm nhập mặn tại các khu vực đồng bằng ven biển. Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng, kinh tế, xã hội, sinh kế và đời sống dân cư địa phương. Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Trực và cộng sự thực hiện vào năm 2017 cho thấy khả năng dễ bị tổn thương do nhiễm mặn ở Đà Nẵng cao nhất thuộc về hai phường Hòa Quý và Hòa Xuân; ngoài ra có 11 phường, xã được xếp vào nhóm có tính dễ bị tổn thương cao; 21 phường, xã có tính dễ bị tổn thương trung bình và 22 phường, xã được xếp vào nhóm tổn thương thấp. Hiện nay, đã có nhiều nghiên cứu về tác động của BĐKH đối với người dân vùng ven biển ở các lĩnh vực kinh tế-xã hội như nông-lâm-ngư nghiệp, sinh kế... Tuy nhiên, các nghiên cứu nhận thức và thực hành phòng, chống ảnh hưởng của BĐKH tới sức khỏe của sinh viên trường đại học ngành y dược vẫn còn khá mới. Đây là nhóm đối tượng sẽ trở thành các cán bộ y tế tương lai, hiểu biết và hành vi của sinh viên sẽ có ảnh hưởng lớn đến bệnh nhân và người nhà của họ nói riêng và nhân viên y tế đồng thời cũng là nhóm người có uy tín đối với xã hội, cộng đồng. Do đó, chúng tôi tiến hành nghiên cứu “Nghiên cứu kiến thức và thực hành phòng, chống tác động của biến đổi khí hậu đến sức khoẻ của sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng năm 2022” với mục tiêu: Mô tả kiến thức và thực hành về phòng, chống tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe của sinh viên Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng năm 2022. Tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến kiến thức và thực hành phòng, chống tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe của đối tượng nghiên cứu trên.
Đối tượng nghiên cứu Sinh viên đang theo học hệ chính quy tại Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng. Phương pháp nghiên cứu thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang. - Cỡ mẫu: Áp dụng công thức tính cỡ mẫu cho ước lượng một tỷ lệ trong quần thể. Trong đó, chọn α = 0,05 thì Z2 (1-α/2) = 1,96. Lấy p = 0,5 (Ước đoán 50% sinh viên có kiến thức tốt về tác động của BĐKH đến sức khỏe) và chọn d = 0,05 với độ chính xác mong muốn 95% (sai số 5%). Thay các giá trị vào công thức ta có: n = 1,962 x (1-0,5) x 0,5/0,052 = 384. Cộng thêm 10% để dự trù cho các trường hợp mất mẫu hoặc phiếu hỏng. Như vậy cỡ mẫu cần có là 422 sinh viên. Trên thực tế, chúng tôi thu thập trên 421 sinh viên (01 sinh viên từ chối tham gia điều tra). - Kỹ thuật chọn mẫu: Chọn mẫu phân tầng có tỷ lệ. + Theo thống kê của Phòng Công tác chính trị & Quản lý sinh viên đến hết ngày 31/10/2021 tổng cộng có 3.375 sinh viên hệ chính quy. + Trường Đại học Kỹ thuật Y-Dược Đà Nẵng có tất cả 10 chuyên ngành: Y khoa, Dược học, Điều dưỡng (đa khoa, nha khoa, gây mê hồi sức, hộ sinh), Kỹ thuật (hình ảnh y học, xét nghiệm y học, phục hồi chức năng) và Y tế công cộng. + Tiến hành chọn ngẫu nhiên sinh viên ở các chuyên ngành vào mẫu theo danh sách sinh viên các ngành sao cho đảm bảo tỷ lệ sinh viên mỗi ngành trong tổng số sinh viên của trường và đủ 422 sinh viên. - Biến số nghiên cứu: Nhóm biến số về đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu, bao gồm các thông tin: Giới tính, ngành học, năm học, nguồn thông tin nghe được về BĐKH, mức độ quan tâm đến BĐKH, trình độ học vấn của bố và mẹ. Biến số nghiên cứu về kiến thức và thực hành của sinh viên về phòng, chống tác động của Biến đổi khí hậu đến sức khỏe. + Kiến thức chung về phòng, chống tác động BĐKH đối với sức khỏe của sinh viên được chia làm 2 nhóm: Kiến thức tốt (Trả lời đúng ≥80% số câu hỏi): Từ 7/9 câu trở lên; Kiến thức chưa tốt (Trả lời đúng < 80% số câu hỏi): Từ 6/9 câu trở xuống. + Biến số phần thực hành: Mức độ thực hành các biện pháp phòng, chống tác động của BĐKH đối với sức khỏe của sinh viên được phân 2 nhóm: Thực hành tốt (Trả lời đúng ≥80% số câu hỏi): Đạt từ 5 điểm trở lên; Thực hành chưa tốt (Trả lời đúng < 80% số câu hỏi): Từ 4 điểm trở xuống. - Công cụ thu thập thông tin: Sử dụng bộ câu hỏi tự điền được xây dựng nhằm mô tả kiến thức và thực hành phòng, chống tác động của BĐKH đến sức khoẻ của sinh viên. Bộ câu hỏi có 23 câu, gồm 4 phần: Thông tin chung (giới, ngành học, năm học, trình độ học vấn của bố/mẹ); Kiến thức sinh viên về phòng, chống tác động của BĐKH đến sức khoẻ; Thực hành của sinh viên về phòng, chống tác động của BĐKH đến sức khoẻ; Các yếu tố liên quan. Kết quả tỷ lệ sinh viên có kiến thức và thực hành tốt về phòng, chống tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe chiếm tỷ lệ lần lượt là 89,5% và 78,7%. Các yếu tố có liên quan đến kiến thức gồm: ngành học, mức quan độ quan tâm về phòng, chống tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe; các yếu tố có liên quan đến thực hành là trình độ học vấn của bố.
Sinh viên có kiến thức tốt về phòng, chống tác động của BĐKH đến sức khỏe chiếm tỷ lệ cao (89,5%). Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên có thực hành tốt về phòng, chống tác động của BĐKH đến sức khỏe còn chưa cao (78,7%). Nghiên cứu tìm thấy một số yếu tố có liên quan đến kiến thức là ngành học và mức độ quan tâm của sinh viên về ảnh hưởng của BĐKH, yếu tố có liên quan đến thực hành là trình độ học vấn của bố. Nhằm nâng cao năng lực thực hành của sinh viên trong phòng, chống tác động của BĐKH, nhà trường và địa phương cần tạo điều kiện và xây dựng các hoạt động liên quan đến môi trường, khí hậu để sinh viên có cơ hội được tham gia nhiều. |