Ảnh minh họa: Internet
Mục tiêu của ngành nuôi trồng thủy sản là tối ưu hóa tăng trưởng, nâng cao chất lượng thịt cá và giảm chi phí sản xuất. Một trong những yếu tố góp phần đạt được mục tiêu này là giá trị của thức ăn. Các thành phần của thức ăn phải đảm bảo hỗ trợ vật nuôi phát triển tối đa với liều lượng và chi phí tối thiểu. Trong các thành phần thức ăn, vitamin E được xem là một trong những thành phần quan trọng, không thể thiếu với sự phát triển của cá nuôi, nhất là đối tượng cá biển. Vitamin E là một nhóm các phân tử hòa tan trong dầu, gồm 8 dạng cơ bản, trong đó dạng α-tocopherol là dạng có hoạt tính sinh học cao nhất.
Vitamin E là một vi dưỡng chất quan trọng trong các quá trình sinh lý và sinh hóa khác nhau, bảo vệ các tế bào nói chung và các chất béo không bão hòa đa nối đôi khỏi bị oxi hóa. Bên cạnh đó, vitamin E có khả năng thúc đẩy tăng trưởng, gián tiếp điều chỉnh tăng trưởng thông qua việc kiểm soát quá trình trao đổi chất và tổn thương mô khi cá bị căng thẳng.
Động vật nói chung, bao gồm cả cá không có khả năng hoặc rất ít khả năng tổng hợp được vitamin E, nguồn vitamin E cung cấp cho nhu cầu của cơ thể phải được bổ sung từ thức ăn. Nếu bổ sung thiếu vitamin E làm da cá sẫm màu, oxy hóa lipid, thiếu máu, thoái hóa cơ và gan, hiệu suất tăng trưởng thấp, giảm tỷ lệ sống. Ngược lại, việc sử dụng quá nhiều vitamin E sẽ gây độc cho cá bởi các chất oxy hóa, làm giảm hiệu suất tăng trưởng và tăng chi phí sản xuất. Nhìn chung, nhu cầu vitamin E trong khẩu phần ăn hàng ngày của cá biển dao động trong khoảng 6,25 đến 200 mg/kg. Tuy nhiên, mức vitamin này ở một số loài cá được ghi nhận cao hơn như 451 mg/kg ở cá Argyrosomus regius, 1783 mg/ kg ở cá Sparus aurata.
Cá chim vây vàng Trachinotus blochii (Lacépède, 1801) là đối tượng nuôi biển với qui mô lớn hiện nay. Hầu hết các tỉnh có biển đều nuôi đối tượng này. So với các loài cá biển khác thì nuôi cá chim vây vàng có ưu điểm ít rủi ro, con giống cũng như thức ăn chất lượng và được chủ động, nguồn tiêu thụ ổn định. Trong quá trình nuôi cũng như trong tự nhiên, cá thường xuyên bị căng thẳng do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng oxy hóa các tế bào trong cơ thể, gây mất cân bằng giữa cơ thể cá và môi trường nước [4], làm giảm tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của cá. Bên cạnh đó, ở cá biển nói chung, nhất là cá con, cá đang trong giai đoạn phát triển thì trong tổ chức mô của cá rất giàu các axít béo thuộc nhóm n-3 HUFA và trong khẩu phần ăn hàng ngày cá cũng đòi hỏi được bổ sung một lượng lớn n-3 HUFA vào thức ăn , các axit béo này rất dễ bị oxy hóa và hình thành nên các sản phẩm gây độc trực tiếp và gián tiếp đến vật nuôi. Do vậy, để ngăn chặn và giảm thiểu các tác hại do oxy hóa gây ra, thì việc bổ sung các chất chống oxy hóa như vitamin E cho cá là cần thiết. Tuy nhiên, nhu cầu vitamin E cho cá nuôi thay đổi đáng kể, phụ thuộc vào loài cá, giai đoạn phát triển, sự tương tác với các thành phần khác trong thức ăn như vitamin C, selinium và lipid. Hiện nay, đã có nhiều nghiên cứu về nhu cầu dinh dưỡng ở cá chim vây vàng nhưng những thông tin về nhu cầu vitamin ở cá còn hạn chế. Trong đó, nhu cầu về vitamin E ở cá chim vây vàng T. blochii giai đoạn giống chưa được nghiên cứu.
Nghiên cứu này đã khẳng định việc bổ sung vitamin E vào thức ăn ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ tăng trưởng, chỉ số HSI và thành phần sinh hóa ở cá chim vây vàng giai đoạn giống. Trong đó, thức ăn được bổ sung 400 mg vitamin E/kg cho kết quả sinh trưởng (%LG, %WG, SGRL và SGRW), HSI, hàm lượng protein và lipid cao nhất so với các nghiệm thức bổ sung ở mức thấp hơn hay cao hơn. Chỉ số VSI và tỷ lệ sống của cá không bị ảnh hưởng bởi việc bổ sung vitamin E sau 10 tuần thí nghiệm. |