A Lưới là huyện miền núi ở khu vực địa hình phía Tây dãy Trường Sơn Bắc, độ cao trung bình 600-800 m so với mặt nước biển, độ dốc trung bình 20 -25 độ. Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là 1.225,21 km2, dân số là 47.115 người, với các dân tộc chính Cơtu, Pa Cô, Tà Ôi và Kinh. Diện tích đất nông nghiệp toàn huyện là 108.472,5 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp khoảng 6.965,3 ha, chiếm 4,1%. Các loại loại hình sử dụng đất chính trên địa gồm sản xuất lúa và cây trồng hàng năm (ngô, sắn, chuối) và một số cây trồng khác với diện tích nhỏ. Năng suất các loại cây trồng ở mức trung bình so với các huyện đồng bằng của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng của điều kiện đất đai, chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, kinh nghiệm sản xuất, hệ thống tưới tiêu, khả năng đầu tư lao động và vốn vay. Cụ thể, hiệu quả kinh tế của loại hình sử dụng đất trồng lúa chịu ảnh hưởng các yếu tố chí phí nguyên vật liệu trực tiếp (19,59%), loại đất (19,09%), số lao động (20,44%), hệ thống tưới tiêu (14,41%), số năm kinh nghiệm trồng trọt (13,48%) và vốn vay (13,29%). Hiệu quả kinh tế của loại hình sử dụng đất trồng sắn bị chi phối do hệ thống tưới tiêu (30,31%), số lao động (23,96%), số năm kinh nghiệm trồng trọt (23,87%) và loại đất (21,86%).
Với kết quả nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế các loại hình sử dụng đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện A Lưới, nghiên cứu đề xuất được 2 giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế sử dụng đất của nông hộ: (i) Thành lập các tổ hợp tác để các thành viên có thể giúp đỡ nhau sản xuất cũng như trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật mới, trao đổi công trong thời vụ tập trung, làm cỏ,... (ii) Cần tăng cường hơn nữa công tác khuyến nông ở huyện A Lưới để các nông hộ áp dụng được kỹ thuật sản xuất lúa và sắn, kỹ thuật bón phân theo từng giai đoạ sinh trưởng, kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với từng loại sâu bệnh. |