Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (20/05/2023) ]
Đánh giá ảnh hưởng của phân hữu cơ từ bùn thải ao nuôi cá lóc đến sinh trưởng và sản lượng cây rau dền
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của phân hữu cơ làm từ bùn thải ao nuôi cá lóc đến sinh trưởng và sản lượng của cây rau dền (Amaranthus L.) do nhóm nghiên cứu Trường Đại học Thủ Dầu Một thực hiện.

Nông nghiệp hữu cơ là tối ưu hoá tính bền vững và sức sản xuất của các hệ thống với quan hệ chặt chẽ phụ thuộc lẫn nhau như đất trồng trọt, cây trồng, động vật và con người.

Sản xuất rau hữu cơ ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay nên hiểu là sản xuất rau an toàn, tạo ra các sản phẩm rau đảm bảo các chỉ tiêu an toàn đối với người tiêu dùng, đó là dư lương thuốc bảo vệ thực vật, đạm nitrat và vi sinh vật gây hại.

Các nghiên cứu cho thấy mùn và chất hữu cơ nói chung có chứa một số chất có tác dụng kích thích phát triển bộ rễ, nâng cao tính thẩm thấu của màng tế bào.

Phân bón hữu cơ có vai trò quan trọng là làm cho đất tơi xốp và nâng cao độ phì. Theo các chuyên gia, khi bón phân hữu cơ, các hydrat cacbon sẽ được phân hủy dưới tác động của độ ẩm và nhiệt độ tạo thành mùn, axit humic và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây. Đáng nói, quá trình này sẽ diễn ra chậm và kéo dài từ vài ngày đến vài tháng tùy vào chất liệu của phân và điều kiện môi trường, khí hậu. Chính điều này làm cho đất trồng trở nên tơi xốp, tăng khả năng thấm và thoát nước nhờ đó tránh tình trạng ngập úng, tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra, sử dụng phân hữu cơ còn giúp hạn chế việc phải tưới nước thường xuyên, góp phần tránh lãng phí nước sạch, giảm chi phí và công sức khi canh tác. Đất tơi xốp giúp nhiệt độ trong đất được điều hòa tốt hơn và tránh khỏi tình trạng bị “sốc” nhiệt do thời tiết thay đổi đột ngột.

Xuất phát từ thực tiễn, việc sử dụng phân hữu cơ làm từ bùn thải ao nuôi cá lóc để trồng rau và đánh giá hiệu quả của phân đến sự sinh trưởng và sản lượng của rau dền có ý nghĩa quan trọng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay, đồng thời giải quyết các vấn đề về môi trường liên quan đến bùn thải của ao nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm cho hệ thống sông và kênh rạch, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ trong trồng trọt, nâng cao hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường.

Vật liệu nghiên cứu: Phân hữu cơ được làm từ bùn thải ao nuôi cá lóc kết hợp với các phụ phẩm nông nghiệp. Hạt giống rau dền xanh mua tại cửa hàng hạt giống và vật tư nông nghiệp ở thành phố Thủ Dầu Một. Địa điểm nghiên cứu tại khu vực trồng rau ăn lá phường Thái Hòa, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, thời gian từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2022.


Sơ đồ thí nghiệm trồng rau dền

Nghiên cứu đã cho thấy rằng ở công thức bón phân 50% vô cơ + 50% hữu cơ trồng rau dền cho sản lượng và hiệu quả cao nhất là 6,9 tấn/ha mùa khô và 6,95 tấn/ha mùa mưa.

Việc sử dụng kết hợp phân vô cơ và hữu cơ trồng rau dền có ảnh hưởng rõ rệt đến sinh trưởng và sản lượng của rau. Bên cạnh đó sử dụng phân vô cơ chỉ đem lại năng suất cho cây, không cải thiện được đất trồng mà còn ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng của rau. Trong khi đó sử dụng phân hữu cơ hoặc hữu cơ kết hợp vô cơ với tỷ lệ thích hợp không những đem lại năng suất cao mà còn cải tạo đất và tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn.

lttsuong
Theo Tạp chí Khoa học - Đại học Thủ Dầu Một, Số. 2(63) (2023)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->