Du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn được định hướng là một trong những sản phẩm chủ đạo của du lịch Việt nam từ nay đến năm 2030 (Quyết định số 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030). Thực tế hiện nay trên thế giới cũng như Việt Nam cũng đã có các hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp, ở Anh người ta gọi là “du lịch nông thôn”, Mỹ là “du lịch trang trại”, Pháp là “du lịch nông trại”, Nhật là “du lịch xanh”… tùy thuộc vào mô hình nông thôn ở mỗi khu vực.
Du lịch nông thôn được hiểu là loại hình du lịch tạo ra các sản phẩm du lịch phục vụ du khách chủ yếu dựa trên nền tảng các tiềm năng và giá trị đặc sắc của nông thôn từ các yếu tố về con người, công trình đến các yếu tố tự nhiên, trong đó, các hoạt động sản xuất nông nghiệp như trồng hoa, quả đặc thù, nông nghiệp sinh thái kết hợp với mục tiêu du lịch, vui chơi giải trí làm gia tăng giá trị của sản xuất nông nghiệp là mô hình đang được khuyến khích phát triển ở nhiều nước.
Tại Việt nam, đồng ruộng là không gian sản xuất nông nghiệp chính và cũng chứa đựng các tiềm năng du lịch nông nghiệp. Về mặt vật thể, cảnh quan đồng lúa rộng lớn, đan xen các bờ thửa, kênh mương, điểm một số cây cổ thụ của quán trên cánh đồng, cây hai bên đường nội đồng, tạo nên một đặc trưng hình thái đồng ruộng làng quê truyền thống. Với màu sắc của lúa vàng ngày mùa, của rau, của hoa là những cảnh quan đẹp của nông thôn. Ngoài cảnh quan, mùi hương lúa, tiếng chim hót, cánh cò bay trên cánh đồng, cảm nhận sự yên bình là những đặc trưng có giá trị của không gian sản xuất nông nghiệp. Về giá trị phi vật thể, phương thức sản xuất, canh tác trên cánh đồng lúa cũng chứa đựng các giá trị về giáo dục, nhân văn; đặc biệt các phương thức canh tác truyền thống, lễ hội nông nghiệp chứa đựng giá trị văn hóa, cách ứng xử của người nông dân Việt nam để hài hòa với tự nhiên được tích tụ qua nhiều thế hệ.
Tuy nhiên, việc khai thác không gian cảnh quan cánh đồng lúa phục vụ du lịch tại Việt nam chủ yếu tập trung tại các vùng núi cao như Sa Pa, Mù Căng Chải, Hoàng Su Phì, các khu vực di sản thế giới như Tam Cốc – Bích Động, hoặc gắn với các khu di sản thế giới như xã Cẩm Thanh Hội An (chủ yếu phục vụ cho người nước ngoài).
Huyện Nam Đàn được xác định là 1 trong 4 huyện của cả nước được Chính Phủ lựa chọn làm điểm xây dựng mô hình huyện nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2025 theo hướng “Phát triển văn hóa gắn với du lịch”. Tuy nhiên thực tiễn phát triển và quy hoạch vùng huyện Nam đàn cho thấy định hướng du lịch chủ yếu tập trung khai thác giá trị tiềm năng của các khu vực di tích lịch sử, văn hóa và hệ sinh thái núi. Phát triển du lịch trên cánh đồng lúa cơ bản vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ, chưa khai thác được nguồn tài nguyên cảnh quan, văn hóa này trong phát triển kinh tế địa phương.
Để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại kết hợp với phát triển văn hóa-du lịch cần quy hoạch hạ tầng giao thông thủy lợi, cảnh quan đồng ruộng vừa đáp ứng chủ động tưới tiêu và cơ giới hóa sản xuất vừa kết nối các cơ sở văn hóa, du lịch, tạo cảnh quan, môi trường, sinh thái sáng-xanh-sạch-đẹp thu hút khách du lịch và phát triển văn hóa.
Nghiên cứu này, trên cơ sở khảo sát, phân tích địa hình, hệ sinh thái nông nghiệp sản xuất lúa, tiềm năng và định hướng phát triển du lịch Huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, đề xuất mô hình quy hoạch, bố trí cơ sở hạ tầng, cảnh quan đồng ruộng cánh đồng lúa đa năng, đa mục tiêu thuộc xã Kim Liên để nâng cấp, tôn tạo hạ tầng nội đồng, cảnh quan đồng ruộng trở thành các sản phẩm du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương.
![](/Portals/0/HinhBanTin/Suong/kim%20li%C3%AAn.jpg)
Thiết kế chi tiết tuyến nội đồng phục vụ du lịch xã Kim Liên
Xã Kim Liên là xã có tiềm năng lớn phát triển du lịch nông nghiệp nằm trên tuyến thăm quan di tích lịch sử, văn hóa với các điểm du lịch nổi tiếng làng Sen (quê nội Bác Hồ), làng Hoàng Trù (quê ngoại Bác Hồ), núi Chung. Tuy nhiên, thực tiễn phát triển và quy hoạch vùng huyện Nam đàn cho thấy định hướng du lịch của huyện chủ yếu tập trung khai thác giá trị tiềm năng của các khu vực di tích lịch sử, văn hóa và hệ sinh thái núi. Cơ sở hạ tầng cảnh quan đồng ruộng đa năng đa mục tiêu phục vụ xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch chưa được đề cập, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, hạ tầng chế biến, môi trường, nói chung chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp cũng như phát triển du lịch cộng đồng.
Việc quy hoạch bố trí hạ tầng, cảnh quan đồng ruộng đa năng, đa mục tiêu phù hợp các tiểu vùng về địa hình, sinh thái phục vụ nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch phải đáp ứng 2 tiêu chí về (i) đa năng, đa mục tiêu đảm bảo máy nông nghiệp hoạt động thuận lợi, tưới tiêu cây trồng được chủ động phục vụ hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp và (ii) Tiêu chí cảnh quan về phát triển văn hóa gắn với du lịch được thỏa mãn trên cơ sở đảm bảo về môi trường, cảnh quan thông qua tuyến đường xanh nội đồng.
Quy hoạch, bố trí lại cảnh quan đồng ruộng, cơ sở hạ tầng giao thông thủy lợi cánh đồng lúa Kim Liên theo tiêu chí kênh mương và đường nội đồng được bố trí phù hợp để thửa ruộng nào cũng được tiếp xúc với đường giao thông, kênh tưới, kênh tiêu. Các tuyến đường trục chính nội đồng phục vụ du lịch, kết nối khu di tích Kim Kiên và khu dân cư, có trồng cây, hoa hai bên đường, có kích thước các tuyến trồng cây, hoa là Bnền = 8m (Bmặt = 6m, Blề = 2x1m). Các tuyến đường nội đồng khác, không trồng cây, hoa và là đường để cho máy móc đi lại, có kích thước Bnền = 5m, ngoài ra có bố trí điểm tránh xe và điểm cho máy xuống đồng.
Bố trí hệ thống đường nội đồng, kênh tưới, tiêu đảm bảo ruộng nào cũng được tiếp xúc với đường và kênh tưới, kênh tiêu. Kích thước kênh tưới bình quân 0,4 x 0,7 m, được bê tông hóa, kích thước kênh tiêu bình quân: 0,7x 0,8 m, là kênh đất.
Hạ tầng cảnh quan xã Kim Liên, huyện Nam Đàn chứa đựng cả tiềm năng vật thể và phi vật thể, chứa đựng cả giá trị truyền thống và đương đại, có khả năng phát triển du lịch thăm quan, du lịch giáo dục tri thức nông nghiệp và tri thức về văn hóa, là tiền đề cho phát triển nhiều hơn các loại hình hoạt động du lịch trên cánh đồng lúa.
Khuyến nghi (1) Đối với các tuyến dự định phát triển du lịch, cần thiết làm nông nghiệp sạch (2) Xây dựng hướng dẫn thiết kế kỹ thuật để có thể nhân rộng mô hình. |