Xã hội-Nhân văn [ Đăng ngày (05/10/2022) ]
So sánh hiệu quả kinh tế của các hộ dân tham gia tổ chức kinh tế tập thể trên vùng đất chuyển đổi từ đất trồng lúa sang cây ăn quả ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Nghiên cứu do Nguyễn Tuấn Anh - Viện Kinh tế và Quản lý Thủy lợi và Thái Việt Anh - Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thực hiện.

Tổ chức kinh tế tập thể bao gồm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác. Loại hình hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác (THT) đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho nông hộ ở khu vực nông thôn, cũng như góp phần xây dựng nông thôn mới. Hình thức hợp tác sản xuất trong nông nghiệp đã trở nên khá phổ biến ở vùng và đã có những đóng góp tích cực góp phần tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh của nông hộ trong nền1kinh tế thị trường. Theo luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13 thì HTX là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý HTX. THT là tổ chức thuộc loại hình kinh tế tập thể đang được khuyến khích phát triển tại các nước đang phát triển, tổ chức có từ hai cá nhân trở lên cùng tự nguyện thành lập.

Các HTX cho phép nông dân sở hữu và kiểm soát, trên một cơ sở dân chủ, công việc kinh doanh để mua sắm vật tư và dịch vụ đầu vào của họ, và tiếp thị sản phẩm đầu ra. Tham gia HTX giúp tăng thu nhập cho nông dân, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất và tiếp thị, cuối cùng là nâng cao cơ hội mở rộng thị trường và nâng cao thu nhập của các hộ dân. Khi tham gia các thành viên trong tổ chức kinh tế hợp tác sẽ giúp cải thiện năng suất, tăng thu nhập và giảm nghèo đói năng tiếp cận hỗ trợ về thông tin, vốn và công nghệ, tiếp cận các yếu tố đầu vào của trang trại, tiếp cận tín dụng dễ dàng, giáo dục và đào tạo, cải thiện điều kiện sống và việc làm. Có 88% số nông hộ cho là có nhu cầu hợp tác trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Nếu chỉ xét riêng các nông hộ trồng cây ăn quả thì có 84% có nhu cầu hợp tác. Các nhu cầu hợp tác của nông hộ tập trung về mua vật tư, dịch vụ sản xuất, nhu cầu về giống, tín dụng là tiêu thụ đầu ra. Hợp tác sản xuất là giúp tăng thu nhập do có thể giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và bán được giá cao. HTX có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và ngày càng có nhiều loại hình tổ hợp tác hoặc hợp tác xa thành lập.

Trong những năm qua vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị ảnh hạn hán, xâm nhập mặn và lũ, ngập lụt, úng tại khu vực có những thay đổi đáng kể về quy luật và mức độ do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phát triển thượng nguồn và phát triển nội tại của vùng. Để phát triển bền vững vùng ĐBSCL, Chính phủ đã có Nghị Quyết số 120/NĐ-CP năm 2017 và Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 324/QĐ-TTg năm 2020 phê duyệt chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Định hướng chuyển đổi, sử dụng linh hoạt giữa đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng. Việc chuyển đổi đất trồng lúa sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 35/2015/NĐ-CP năm 2015, và được thay thế bởi Nghị định số 62/2019/NĐ-CP và Nghị định số 94/2019/NĐ-CP. Từ góc độ người dân, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang cây ăn quả giúp nâng cao thu nhập cho người dân và đời sống của người dân. Tuy nhiên, nhiều hộ dân chuyển đổi theo nhu cầu thị trường, manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến hiệu quả không cao. Một số nơi các hộ dân chuyển đổi theo quy hoạch và tổng thể đồng thời tham gia tổ chức kinh tế hợp tác giúp cải thiện thu nhập của người dân, thị trường tiêu thụ bền vững.

Các nghiên cứu đã chỉ ra tham gia HTX giúp cho nông hộ bán lúa với giá cao và có lợi nhuận cao hơn khi không tham gia HTX, đồng thời có vai trò chính trong việc nâng cao trình độ sản xuất, việc liên kết tìm đầu ra ổn định cho xã viên. Việc tham gia HTX giúp nông hộ tăng thu nhập thông qua sự giảm các khoản chi phí như chi phí nhân công, chi phí bơm tưới, chi phí vật tư và hỗ trợ trong hợp tác sản xuất, tiêu thụ đầu ra. Thu nhập giữa các hộ tham gia và không tham gia tổ chức kinh tế có sự khác nhau, các hộ tham gia HTX có thu nhập cao hơn, giảm chi phí sản xuất so với các hộ không phải là xã viên. Năm 2020, Chính Phủ cũng đã ban hành Nghị Quyết số 134/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 về Phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 – 2025. Với quan điểm ưu tiên hỗ trợ phát triển tổ chức kinh tế tập thể, HTX gắn với chuỗi giá trị, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và có tác động lớn tới thành viên, cộng đồng. Với mục tiêu tăng cường năng lực của các tổ chức kinh tế tập thể, HTX nhằm phát huy hơn nữa vai trò liên kết, hợp tác, hỗ trợ thành viên và cộng đồng khu vực.

Trong bài báo này sẽ ước lượng sự khác biệt về thu nhập giữa các hộ tham gia tổ chức kinh tế tập thể với hộ không tham gia khi thực hiện chuyển đổi từ đất trồng lúa sang cây ăn quả ở vùng ĐBSCL.


Kết quả ước lượng hàm lợi nhuận của các hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang cây ăn quả

Kết quả nghiên cứu dựa trên số liệu 60 hộ dân thuộc 3 tỉnh Long An, Vĩnh Long và Hậu Giang của vùng ĐBSCL. Vùng đang đứng trước thách thức liên quan đến nguồn nước do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phát triển kinh tế - xã hội. Định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả nhằm sang cây ăn quả nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện sinh kế của người dân. Kết quả nghiên cứu cho thấy các hộ tham gia HTX, THT có lợi nhuận cao hơn 15,60% so với các hộ không tham gia. Trong thời gian tới, khi hình thành chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn quả tập trung sản xuất ổn định, cần củng cố thành lập HTX và THT. Với việc thành lập HTX và THT sẽ giúp các hộ dân nâng cao trình độ sản xuất, giảm chi phí sản xuất đầu vào và xây dựng chỉ dẫn địa lý phát triển thương hiệu khi hình thành nhãn hiệu tập thể. Đồng thời, giúp cơ quan quản lý nhà nước sẽ hỗ trợ các chính sách liên quan đến liên kết, thủy lợi, khuyến nông cũng như chuyển giao khoa học kỹ thuật góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Từng bước áp dụng ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững nhằm giải quyết các vấn đề nội tại của vùng. Đồng thời, các tổ chức kinh tế tập thể liên kết với các doanh nghiệp đảm bảo tiêu thụ sản phẩm đầu ra, ổn định giá cả của sản phẩm từ đó cải thiện thu nhập cho người dân trong khu vực.

lttsuong
Theo Tạp Chí Khoa Học và Công Nghệ Thủy Lợi - số 68
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->