Ảnh chụp sao khổng lồ đỏ Bêtlgeuse. Ảnh: ESO.
Mặc dù là một ngôi sao quen thuộc và được nghiên cứu kỹ lưỡng, Betelgeuse vẫn thách thức các nhà thiên văn học trong việc xác định kích thước và khoảng cách của nó bởi ngôi sao khổng lồ đỏ này phát sáng rất mạnh, cản trở các quan sát từ kinh thiên văn.
Tuy nhiên, Betelgeuse bất ngờ mờ đi rõ rệt kể từ năm 2019 và theo một báo cáo trong tháng 2 của Đài thiên văn Nam Âu (ESO), độ sáng biểu kiến của thiên thể đã giảm tới 2,5 lần, khiến các nhà khoa học suy đoán rằng ngôi sao đang bước vào giai đoạn cuối của quá trình tiến hóa và có thể sụp đổ trong 100.000 năm tới, tạo ra sự kiện siêu tân tinh.
Sự suy giảm độ sáng của Betelgeuse đã tạo điều kiện cho các quan sát thiên văn, giúp đo đạc chính xác hơn về khoảng cách và độ lớn của nó.
Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Astrophysical Journal hôm 16/10, các nhà thiên văn học quốc tế do László Molnár từ Đài quan sát Konkoly ở Hungary dẫn đầu cho biết Betelgeuse có kích thước bằng khoảng 2/3 quỹ đạo sao Mộc, hay nói cách khác, nó có bán kính lớn gấp 750 lần Mặt Trời của chúng ta. Con số này nhỏ hơn đáng kể so với ước tính trước đây, cho rằng ngôi sao khổng lồ đỏ này lớn tương đương quỹ đạo sao Mộc.
Không chỉ nhỏ hơn, Betelgeuse cũng nằm gần Trái Đất hơn đáng kể. Các quan sát mới tiết lộ ngôi sao trong chòm Lạp Hộ này chỉ cách chúng ta 530 năm ánh sáng, gần hơn tới 25% so với dữ liệu từng được mô tả.

Mô phỏng đám mây bụi chắn ánh sáng từ Betelgeuse. Ảnh: NASA/ESA.
Bằng các quan sát từ Kính viễn vọng Không gian Hubble, nhóm nghiên cứu nhận thấy sự suy giảm độ sáng ở Betelgeuse diễn ra rõ rệt nhất ở bán cầu nam. Ngôi sao được cho là đã giải phóng một lượng lớn vật chất plasma siêu nóng vào không gian. Vật chất này sau đó nguội đi và tạo thành một đám mây bụi khổng lồ chặn ánh sáng phát ra từ 1/4 bề mặt thiên thể.
|