Từ năm 1949, phương pháp kích thích buồng trứng (KTBT) được thực hiện thường quy trong IVF nhằm hai mục đích: (i) Thu được nhiều noãn chất lượng tốt, từ đó, tạo được nhiều phôi; (ii) Có phôi dư để trữ lạnh và sử dụng nếu chuyển phôi tươi thất bại, do đó, tăng kết quả thai cho bệnh nhân sau một chu kỳ điều trị có KTBT. Tuy nhiên, kỹ thuật này mang lại nhiều gánh nặng cho bệnh nhân trong quá trình điều trị như nguy cơ bị hội chứng quá kích buồng trứng, xoắn buồng trứng, huyết khối tĩnh mạch cũng như nhiều phiền toái do bệnh nhân phải tiêm thuốc liên tục, siêu âm, xét nghiệm máu nhiều lần. Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm giải quyết các hạn chế này từ việc kích thích buồng trứng. Kỹ thuật trưởng thành noãn trong ống nghiệm (IVM) là một trong số đó. Kỹ thuật IVM là một kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, khác biệt với thụ tinh ống nghiệm cổ điển ở hai điểm chính: không tiến hành hoặc chỉ kích thích buồng trứng nhẹ và noãn chọc hút được là đa số/ hoặc toàn bộ là noãn chưa trưởng thành. Kỹ thuật IVM có ưu điểm lớn trên nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao bị ảnh hưởng từ các biến chứng của quá trình kích thích buồng trứng như bệnh nhân có AFC nhiều hoặc có hội chứng buồng trứng đa nang. Các báo đầu tiên ghi nhận tỷ lệ thai của IVM thấp, nhưng hiện nay, kết quả IVM đã được cải thiện đáng kể.
Nhóm nghiên cứu trong năm 2018 vừa công bố kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ trẻ sinh sống cộng dồn của IVM ở bệnh nhân có đa nang buồng trứng (PCOS) là 33,7%. Các nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ thai khá tương đương giữa kỹ thuật IVM so với IVF sử dụng KTBT với phác đồ GnRH đồng vận(12,17) hay phác đồ GnRH đối vận ( 3,18). Tuy nhiên, nhược điểm của các nghiên cứu trước đây là cỡ mẫu nhỏ với kết quả thai không ổn định.
Từ đó, nghiên cứu này tiến hành nhằm so sánh hiệu quả và tính an toàn của kỹ thuật IVM so với kỹ thuật IVF ở bệnh nhân có AFC nhiều.
Nghiên cứu hồi cứu được thực hiện tại Đơn vị hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức (IVFMD), bệnh viện Mỹ Đức, TP. Hồ Chí Minh từ 7/2015 đến 12/2017. Bệnh nhân 18-38 tuổi, AFC ≥ 24, điều trị hỗ trợ sinh sản được nhận vào nghiên cứu. IVM hay IVF được thực hiện do chỉ định của bác sĩ hay chọn lựa của bệnh nhân. Bệnh nhân IVM được tiêm FSH 3 liều và hCG. Bệnh nhân IVF được tiêm FSH (phác đồ GnRH đối vận) và hCG. Kết cục chính là tỷ lệ trẻ sinh sống sau lần chuyển phôi đầu tiên.
Qua thời gian thực hiện, có 919 bệnh nhân được nhận vào nghiên cứu, gồm 608 IVM và 311 IVF. Tuổi, BMI và số noãn không khác biệt giữa 2 nhóm. Tỷ lệ trẻ sinh sống không khác biệt giữa 2 nhóm IVM so với IVF (36,5% vs 40,8%, p=0,274); OR hiệu chỉnh = 0,74 (KTC 95% 0,42-1,3). Không có QKBT ở nhóm IVM, trong khi đó, 3,5% ở nhóm IVF. Từ đó cho thấy, ở bệnh nhân AFC nhiều, IVM có thể thay thế IVF do tránh QKBT và giảm gánh nặng điều trị cho bệnh nhân. |