Một hạt mưa đá siêu lớn rơi xuống Argentina. Ảnh: Science Alert.
Trong khi tìm hiểu dữ liệu về một cơn bão năm 2018, các nhà nghiên cứu tìm thấy một viên mưa đá có đường kính khoảng 18 - 23 cm, có thể lập kỷ lục thế giới mới. Kỷ lục hiện nay thuộc về hạt mưa đá rộng 20 cm, tương đương quả bóng chuyền, rơi gần Vivian, bang Nam Dakota, Mỹ. "Thật là khó tin. Đây là kích thước cực lớn mà bạn có thể tưởng tượng từ mưa đá", Matthew Kumjian, phó giáo sư khoa Khí tượng học và Khí quyển ở Đại học Pennsylvania, cho biết.
Các nhà khoa học đề xuất mưa đá lớn hơn 15 cm nên được phân loại là khổng lồ và cho biết nhận thức rõ hơn về những sự kiện hiếm hoi này có thể giúp tăng cường hiểu biết về những cơn bão nguy hiểm. "Bất cứ thứ gì lớn hơn 15 cm có thể tạo ra lỗ thủng trên xe của bạn. Trong một số trường hợp ít gặp, mưa đá 15 cm có thể rơi xuyên qua mái và nhiều tầng nhà. Chúng tôi muốn giúp giảm thiểu thiệt hại về đời sống và nhà cửa, đồng thời dự đoán hiện tượng", Kumjian nói.
Cơn bão ở vùng đông dân Villa Carlos Paz, Argentina, cung cấp cho các nhà khoa học cơ hội nghiên cứu mưa đá khổng lồ. Khi cơn bão kéo đến, người dân địa phương chia sẻ nhiều video và ảnh chụp trên mạng xã hội. Nhóm nghiên cứu theo dõi những tài khoản đó suốt một năm, phỏng vấn nhân chứng, ghé thăm khu vực chịu thiệt hại, thu thập dữ liệu quan trắc và phân tích quan sát bằng radar. Sử dụng phép quan trắc và bằng chứng từ video, họ ước tính một viên mưa đá có thể lập kỷ lục thế giới và công bố kết quả nghiên cứu hôm 6/4 trên tạp chí Bulletin of the American Meteorological Society.
Mưa đá thường xuất hiện trong bão mạnh, khi có luồng không khí nổi lên trên cực mạnh và ổn định. Gió mang các viên mưa đá trôi nổi đủ lâu để phát triển trong môi trường gần nhiệt độ dưới 0 độ C. Rachel Gutierrez, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết họ tìm ra mối liên hệ giữa vận tốc xoay của khối khí thẳng đứng trong cơn bão và kích thước mưa đá.
|