Nghiên cứu do tác giả Phạm Thị Minh Tâm, Lê Thị Thu Cúc – Viện Kiểm nghiệm Thuốc TP. Hồ Chí Minh, tác giả Nguyễn Văn Thanh – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành thực hiện.
Mẫu thử nghiệm trong nghiên cứu là 4 mẫu đương quy Trung Quốc, 3 mẫu đương quy Nhật Bản, 5 mẫu trồng/thu hái tại Việt Nam (Quảng Nam, Đắc Nông, Đaklak, Đơn Dương và Đà Lạt). Các mẫu đều được định danh bằng phương pháp giải trình tự gene để xác định tính đúng. Thuốc thử và hóa chất: Methanol, acetonitril đều là loại HPLC. Acid acetic, amoniac. Chất đối chiếu: Acid ferulic và acid chlorogenic, ligustilid, xanthotoxin, scopoletin.
Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp chiết xuất: Dược liệu được phơi khô, xay nhỏ, rây qua rây 355 và xác định độ ẩm. Thẩm định quy trình: Tính tương thích hệ thống, tính đặc hiệu, tính tuyến tính, độ lặp lại, độ chính xác trung gian, độ đúng, giới hạn phát hiện, giới hạn định lượng.
Qua thời gian thực viện, việc khảo sát và chọn lựa được phương pháp chiết và phương pháp HPLC phù hợp, đã thẩm định phương pháp định lượng đồng thời 5 chất. Kết quả thẩm định cho thấy phương pháp phù hợp để định lượng đồng thời các chất trên trong các mẫu dược liệu mang tên đương quy. Chúng tôi cũng dùng phương pháp này để khảo sát 12 mẫu dược liệu của 2 loài mang tên đương quy: Angelica sinensis và Angelica acutiloba. Đương quy Hàn Quốc không có ligustilid, đương quy Châu Âu (Levisticum officinals) chưa thấy sử dụng ở Việt Nam nên không đưa vào nghiên cứu. Kết quả khảo sát cho thấy, tất cả các mẫu khảo sát đều có acid chlorogenic, acid ferulic và ligustilid. Angelica sinensis không có scopoletin và xanthotoxin, nhưng hàm lượng ferulic và ligustilid cao vượt trội so với Angelica acutiloba. Angelica acutiloba có cả 5 chất acid chlorogenic, acid ferulic, scopoletin, xanthotoxin và ligustilid, trong đó, chủ yếu là xanthotoxin và ligustilid. Xanthotoxin có trong đương quy Nhật Bản, không có trong đương quy Trung Quốc, phù hợp với các nghiên cứu của một số tác giả. Kết quả khảo sát định lượng trên sẽ là dữ liệu để thiết lập dấu vân tay và xác định chuẩn đánh dấu hóa học cho đương quy Nhật Bản- Angelica acutiloba. |