Trong vài thập kỷ qua, bệnh sâu răng được tổ chức Y tế thế giới xếp hạng là một trong ba tai họa của loài người sau ung thư và tim mạch, nguyên nhân là do bệnh mắc rất sớm, phổ biến và phí tổn điều trị rất cao [5]. Hiện nay, bệnh sâu răng có sự phân bố không đồng đều, mặc dù trong một cộng đồng, tất cả học sinh ở tuổi đến trường cùng được hưởng lợi ích từ chương trình nha học đường, nhưng vẫn có một nhóm đối tượng có tỷ lệ sâu răng cao và tiến triển nhanh trong khi các đối tượng khác thì không bị ảnh hưởng [1]. Nhằm mục đích thu thập thông tin về bệnh sâu răng ở học sinh 6 tuổi, đặc biệt trên nhóm đối tượng đa sâu răng và mối liên quan của một số yếu tố nguy cơ về sinh học, môi trường, xã hội trên nhóm bệnh nhân này, chúng tôi thực hiện đề tài “Nghiên cứu tình hình và một số yếu tố nguy cơ trên học sinh 6 tuổi đa sâu răng tại trường tiểu học Võ Trường Toản, thành phố Cần Thơ, năm 2017”.. phương pháp nghiên cứu cắt ngang mô tả trên 228 học sinh 6 tuổi tại trường tiểu học Võ Trường Toản thành phố Cần Thơ từ tháng 09/2016 đến 03/2017. Kết qua: Tỷ lệ sâu răng của học sinh 6 tuổi là 89,5%, trung bình SMTR của học sinh 6 tuổi: 7,61±4,94, SiC: 13,05±2,18, tỷ lệ học sinh 6 tuổi đa sâu răng là: 78,9%, trung bình SMTR của học sinh 6 tuổi đa sâu răng: 9,44±3,83, có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về trung bình SMTR ở trẻ đa sâu răng với yếu tố vệ sinh răng miệng (tương quan thuận, pearson’s r=0,290, p<0,001), pH nước bọt không kích thích (p=0,013), chế độ ăn có đường giữa các bữa ăn chính (p=0,001), kiến thức của cha mẹ về bệnh sâu răng (p=0,002) và số lần đi khám răng của trẻ trong 1 năm qua (p=0,002).
Tỷ lệ sâu răng ở học sinh 6 tuổi cao chiếm 89,5%, chỉ số SMTR là 7,61±4,94, các yếu tố nguy cơ như tình trạng vệ sinh răng miệng, pH nước bọt không kích thích, chế độ ăn có đường giữa các bữa ăn chính, kiến thức của cha mẹ về bệnh sâu răng và số lần đi khám răng của trẻ có mối liên quan có ý nghĩa thống kê với tình trạng đa sâu răng. |