Cùng với sự phát triển của nghề nuôi trồng thủy sản, nhu cầu Artemia (trứng bào xác và sinh khối) ngày càng cao, tuy nhiên hơn 90% nhu cầu về trứng bào xác Artemia được nhập khảu hàng năm nên tiêu tốn một lượng lớn ngoại tệ. Ngoài ra nhu cầu sinh khối Artemia ở khu vực miền Trung để đáp ứng cho các trại giống hải sản ngày càng tăng trong khi nguồn cá tạp ngày một cạn kiệt, nguồn cung không ổn định càng gây trở ngại lớn cho việc phát triển các trại ương hoặc nuôi thịt ở khu vực này. Từ những nhu cầu này, phát triển nghề nuôi Artemia ở những nơi có nghề làm muối (vùng ven biển) là một hướng đi cần thiết trong tương lai nhằm đáp ứng nhu cầu về thức ăn cho ngành nuôi trồng thủy sản.
Đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cấp tỉnh do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì thực hiện với tiêu đề “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nuôi Artemia trên ruộng muối tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh”. Mục tiêu chung của đề tài là nhằm hướng tới xây dựng và phát triển nghề nuôi Artemia ở Trà Vinh. Kết quả bước đầu cho thấy về điều kiện tự nhiên của thổ nhưỡng, nguồn nước ở khu vực nghiên cứu rất phù hợp cho sự sinh trưởng và sinh sản của Artemia. Tuy nhiên, sau hai năm thực hiện đề tài, mặc dù các giải pháp kỹ thuật đã được thực hiện bao gồm áp dụng công thức bón phân tối ưu để nâng cao mật độ tảo tự nhiên làm thức ăn cho Artemia, cũng như bổ sung thức ăn phối chế trực tiếp vào ao nuôi Artemia, nhưng nhóm nghiên cứu vẫn còn gặp một số trở ngại chính trong quá trình thực hiện như: khó thuyết phục hộ dân ở địa phương đồng ý tham gia thực hiện mô hình nuôi Artemia (đa số người dân chưa có nhiều thông tin về đối tượng nuôi mới này, mặt khác do giá muối và giá tôm thịt (thẻ chân trắng) hai năm gần đây tăng khá cao, thời tiết thất thường do biến đổi khí hậu gây ra (mưa và không khí lạnh đầu mùa kéo dài, nắng nóng gay gắt đến sớm), đã làm chậm thời gian xuống giống và nắng nóng kéo dài làm cho Artemia chết hàng loạt, dẫn đến năng suất thu hoạch trứng bào xác chưa cao (27,8 kg/ha). Vì vậy, để mở rộng được diện tích nuôi và đạt năng suất cao, đề tài cần phải tiếp tục tìm các giải pháp để khắc phục những khó khăn để hạn chế ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu, nhất là cần có giải pháp chủ động nguồn nước mặn để xuống giống sớm, từ đó mới có thể kéo dài vụ nuôi và có điều kiện nâng cao được năng suất thu hoạch trứng Artemia.
Hiện nay, huyện Duyên Hải có hai xã chủ yếu phát triển nghề làm muối với xã Dân Thành khoảng 140 ha (trên 100 hộ sản xuất) và xã Đông Hải là trên 200 ha chỉ tính trên khu kết tinh muối, do vậy diện tích đất chưa khai phá là rất lớn. Tuy nhiên khác với vùng muối Sóc Trăng, Bạc Liêu nơi ruộng muối nằm dọc theo bờ biển và liền kề nhau được kết cấu với hàng loạt ao phơi và ao chứa, việc làm muối dựa vào máy bơm là chính thì ở Trà Vinh các hộ làm muối mang tính thủ công (làm thủ công với bơm sa quạt, một ít hộ có máy bơm công suất nhỏ) lô sản xuất rời rạc xen lẫn với đất trông màu, đất bỏ hoang hoặc ao nuôi thủy sản khác và đặc biệt chỉ có sân kết tinh mà không có ao phơi hoặc ao chứa, không có hệ thống kênh cấp tháo nước. Đặc thù của nuôi Artemia là sử dụng nguồn nước mặn cao (80-100%) như nghề làm muối và sử dụng hệ thống ao phơi làm những ao nuôi, đồng thời nước mặn từ ao nuôi Artemia cũng có thể luân chuyển qua nghề làm muối khi cần (chuyển từ ao nuôi lên khu kết tinh) do vậy để phát triển nghề nuôi trên ruộng muối Trà Vinh cần có những nghiên cứu cơ bản về thiết kế hệ thống ao nuôi, kênh cấp để không làm ảnh hưởng đến nghề làm muối mà còn mang tính hỗ trợ, đồng thời khai phá những khu đất bỏ hoang làm ao nuôi Artemia vào mùa khô và chuyển nuôi thủy sản khác vào mùa mưa.
Được sự hỗ trợ kinh phí từ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh, đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cấp tỉnh do trường Đại học Cần Thơ chủ trì thực hiện với tiêu đề “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nuôi Artemia trên ruộng muối và từng bước xây dựng, phát triển quy trình nuôi thâm canh cho vùng ruộng muối tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh”. Mục tiêu chung của đề tài là nhằm hướng tới phát triển nghề nuôi Artemia ở Trà Vinh bao gồm các nội dung cụ thể: (1) Nghiên cứu hoàn thiện và chuyển giao quy trình nuôi Artemia trên ruộng muối cho diêm dân vùng Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh; (2) Xây dựng và phát triển mô hình nuôi Artemia thâm canh trên quy mô thử nghiệm trên ruộng muối Duyên Hải; (3) Đào tạo cán bộ dự án và tiến hành các hoạt động khuyến ngư; (4) Thiết lập mô hình trình diễn và chuyển giao công nghệ; (5) Hạch toán hiệu quả kinh tế của mô hình.
Đề tài được tiếp cận thông qua việc khảo sát sơ bộ vùng làm muối của huyện Duyên Hải, so sánh với các đặc tính của vùng ruộng muối Sóc Trăng – Bạc Liêu, những kết quả nghiên cứu cơ bản về công trình nuội, đặc điểm sinh học của đối tượng nuôi Artemia, khả năng thích nghi trên ruộng muối, quy trình nuôi Artemia,…đã và đang được nhóm nghiên cứu tiến hành trên khu vực thử nghiệm và sẽ được ứng dụng ngay khi có lựa chọn phù hợp với điều kiện ruộng muối của Trà Vinh. Sau khi xác định được một quy trình phù hợp, ổn định và hiệu quả cho vùng nuôi sẽ tiến hành mở rộng các điểm trình diễn, chuyển giao tại chỗ cho nông dân đồng thời triển khai đồng loạt các hoạt động hội thảo, khuyến ngư để mở rộng vùng nuôi hướng tới phổ biến việc nuôi Artemia như là một trong các đối tượng chủ chốt của vùng ruộng muối nói chung và Duyên Hải nói riêng. |