Tự nhiên [ Đăng ngày (02/11/2018) ]
Nguyên nhân suy thoái giếng khoan khu vực có thành tạo bở rời vùng ĐBSCL và giải pháp phục hồi nâng cao hiệu suất giếng khoan
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có mật độ sông, rạch dày đặc, nhưng vào thời điểm mùa khô nguồn nước ngọt cung cấp cho sinh hoạt lại khá khan hiếm do ảnh hưởng của xâm nhập mặn (từ biển) và ô nhiễm từ nước phèn nội tại.

Ảnh minh họa

Do nhu cầu cần sử dụng nước ngọt quanh năm nên trên địa bàn ĐBSCL có hàng nghìn giếng khoan công suất lớn đang hoạt động. Số lượng các giếng khoan ngày càng gia tăng hàng năm theo nhu cầu sử dụng nước. Tuy nhiên, dưới tác động của các yếu tố như ảnh hưởng của mặn, phèn, phiến sét… và các chất hóa học tồn tại trong nước ngầm, rất nhiều giếng khoan sau một thời gian đưa vào sử dụng đã bị suy thoái, làm ảnh hưởng rất lớn đến khả năng khai thác.

Lương Văn Thanh và Phạm Văn Tùng thuộc Viện Kỹ thuật biển và Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam đã thực hiện nghiên cứu về nguyên nhân gây suy thoái do nội tại bản thân các giếng khoan vùng địa chất có thành tạo bở rời của ĐBSCL và đưa ra các giải pháp khoa học và công nghệ (KH&CN) phù hợp để xử lý nhằm nâng cao hiệu suất khai thác các giếng khoan này.

Có nhiều nguyên nhân gây suy thoái các giếng khoan ở khu vực địa chất có thành tạo bở rời vùng ĐBSCL. Các nguyên nhân điển hình về suy thoái có thể kể đến như: Suy thoái do tác động của vi sinh vật tạo ra các mảng bám rỉ sắt, các sản phẩm hỗn hợp gắn kết các hạt bùn bẩn vô cơ và hữu cơ;  Suy thoái do tác động của hóa học, làm ống chống bằng thép bị thủng; Suy thoái do tác động của cơ học gây vỡ ống, hỏng thiết bị… Nghiên cứu sâu các nguyên nhân suy thoái và dựa trên các kỹ thuật được ứng dụng hiện tại, để xử lý nâng cao hiệu suất giếng khoan trong khu vực có tầng nước ngầm nằm sâu và trong đới thành tạo bở rời có thể sử dụng các biện pháp như: xử lý lớp sỏi và cát quanh giếng bị rỉ sét, đóng cặn, lèn chặt bằng chổi quét; piston tạo xung động mạnh của nước; bơm hút nước tăng cường; hóa chất; gia nhiệt; khí CO2 . Một số giếng bị hư hỏng quá nặng khó có thể xử lý được hoặc xử lý quá tốn kém về kinh phí và khai thác không bền vững thì nên chọn giải pháp hủy - trám lấp giếng và khoan giếng mới thay thế.

Với kết quả nghiên cứu và khảo sát bước đầu các giếng khoan ở khu vực địa chất có thành tạo bở rời vùng ĐBSCL, các tác giả đã xác định các nguyên nhân chính gây suy thái giếng khoan và đề xuất được những giải pháp kỹ thuật phù hợp nhằm cải thiện lưu lượng phục vụ cấp nước sinh hoạt cho những vùng khó khăn về nguồn nước của ĐBSCL. Kết quả nghiên cứu là cơ sở tham khảo cho các cơ quan quản lý và đơn vị cấp nước tập trung trong công tác duy tu, bảo dưỡng và khai thác nguồn nước ngầm vùng ĐBSCL cho cấp nước sinh hoạt và góp phần thực hiện tốt các tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam 60(8) 8.2018 (ntbtra)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Xã hội-Nhân văn  
   

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->