Tự nhiên [ Đăng ngày (07/03/2018) ]
Ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy in vitro trong nhân giống lan Hoàng thảo kèn (Dendrobium lituiflorum Lindley)
Nghiên cứu của tác giả: Nguyễn Văn Việt – Trường Đại học Lâm nghiệp thực hiện.

Lan Hoàng thảo kèn (Ảnh: vuonhoalan.net)

Lan Hoàng thảo kèn (Dendrobium lituiflorum Lindley) là thực vật bản địa của khu vực Đông Nam Á, tại Việt Nam chúng được phân bố ở Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, lan Hoàng thảo kèn có hoa mang sắc tím quyến rũ, biến thiên từ nhạt đến đậm, môi hình chiếc kèn, lan Hoàng thảo kèn rất dễ trồng nhưng còn phụ thuộc vào thời tiết vùng miền, lan Hoàng thảo kèn là một trong những loài hoa đẹp và quý hiếm. Hiện nay, ngoài tự nhiên còn rất ít, hiếm gặp vì bị săn lùng quá nhiều do vẻ đẹp của chúng. Ở một số nơi trên thế giới, Hoàng thảo kèn còn được đưa vào diện cần được bảo tồn nghiêm ngặt. Tại Việt Nam, lan Hoàng thảo kèn được đưa vào sách đỏ với mức độ đe dọa R. Vì vậy, loài này cần có chiến lược bảo tồn và phát triển nguồn gen nhằm giảm áp lực săn lùng loài cây này ngoài tự nhiên. Một trong những biện pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát triển loài lan quý hiếm này cần phải tiến hành nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy in vitro. 

Kỹ thuật nhân giống in vitro là phương pháp hiệu quả nhất hiện nay với các ưu điểm như tạo được cây con trẻ hoá và sạch bệnh nên tiềm năng sinh trưởng, phát triển và năng suất cao, khắc phục được nhược điểm của phương pháp nhân giống truyền thống, khôi phục lại các phẩm chất vốn có của thực vật. Đồng thời hệ số nhân của phương pháp nhân giống này cao đáp ứng được nhu cầu về số lượng và chất lượng cây giống, đáp ứng nhu cầu sản xuất trên quy mô rộng (Vũ Ngọc Lan, 2013).

Trên thế giới và ở Việt Nam nhiều nghiên cứu về nhân giống in vitro cây Dendrobium đã được thực hiện (Jaime A, 2015; Lita Soetopo, 2012; Sana Asghar, 2011; Nguyễn Văn Kết, 2010; Vũ Kim Dung, 2016) nhưng các nghiên cứu về nhân giống lan Hoàng thảo kèn còn rất hạn chế.


Lan Hoàng thảo kèn (Ảnh: vuonhoalan.net) 


Nhân giống lan Hoàng thảo kèn bằng kỹ thuật nuôi cấy in vitro đã được nghiên cứu thành công. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sát khuẩn bề mặt quả lan bằng ethanol 70% trong 1 phút, khử trùng bằng dung dịch HgCl2 0,1% trong 12 phút và nuôi cấy trên môi trường Knops, cho tỷ lệ mẫu sạch là 86,7%, tỷ lệ mẫu phát sinh thể chồi (protocorm) là 76,7% với thời gian phát sinh chồi 5 tuần. Cảm ứng tạo đa chồi trên môi trường BAP 0,8 mg/l, Kinetin 0,3 mg/l, NAA 0,1 mg/l, dịch chiết khoai tây 100 ml/l, nước dừa 100 ml/l, sucrose 30 g/l, agar 5 g/l cho hệ số nhân chồi cao nhất 10,3 sau 5 tuần nuôi cấy. Chồi ra rễ 100%, số rễ trung bình 4,8 rễ/cây và chiều dài rễ trung bình 3,6 cm khi nuôi trên môi trường Knops bổ sung IBA 0,2 mg/l, NAA 0,3 mg/l, dịch chiết khoai tây 100 ml/l, sucrose 20 g/l sau 5 tuần nuôi cấy. Cây con hoàn chỉnh được huấn luyện và chuyển ra trồng trên giá thể dớn trắng, xử lý giá thể 2 ngày trong nước, cho tỉ lệ cây sống 89%.

lntrang
Theo Tạp Chí Khoa học và Công nghệ Lâm nghiệp số 4-2017
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Xã hội-Nhân văn  
   

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->