Tự nhiên [ Đăng ngày (28/02/2018) ]
Nhân giống cây Trà hoa vàng Tam đảo (Camellia tamdaoensis Ninh et Hakoda) bằng kỹ thuật nuôi cấy In vitro
Nghiên cứu do các tác giả: Nguyễn Thị Hường, Nguyễn Văn Việt - Trường Đại học Lâm nghiệp thực hiện.

Trà hoa vàng (Ảnh: Sưu tầm)

Trà hoa vàng Tam Đảo (Camellia tamdaoensis Ninh et Hakoda) là một loài thực vật hạt kín trong họ Chè (Theaceae) được phát hiện và công bố vào năm 2007, là loài trà đặc hữu ở Vườn Quốc gia Tam Đảo, Vĩnh Phúc (Trần Ninh, Hakoda Naotoshi, 2010). Cho đến nay các nhà khoa học đã phát hiện được khoảng 30 loài Trà hoa vàng, trong đó có 28 loài được tìm thấy ở Trung Quốc và 24 loài tìm thấy ở Việt Nam (Hà Văn Huân, Nguyễn Văn Phong, 2015). Trong các nghiên cứu đã công bố thành phần các chất có trong Trà hoa vàng có giá trị rất lớn về mặt dược liệu như: giảm khả năng đột quỵ, phòng chống ung thư, củng cố tính đàn hồi của thành mạch, chống ôxy hóa, điều hòa huyết áp... Ngoài ra hoa của chi Camellia to và có nhiều màu sắc rực rỡ: vàng, hồng, trắng và nhiều màu săc lạ mắt nên đã thu hút được sự quan tâm của các nhà chơi cây cảnh. Tuy nhiên, hiện nay số lượng cá thể Trà hoa vàng Tam Đảo đang suy giảm nghiêm trọng (Trần Ninh, Hakoda Naotoshi, 2010).

Cho đến nay các đề tài nghiên cứu về Trà hoa vàng Tam Đảo không nhiều, chủ yếu là một số công trình nghiên cứu về đặc điểm hình thái, sinh thái học và giâm hom (Phạm Văn Hoàng và cộng sự, 2016). Mặt khác, do việc khai thác quá mức đối với tất cả các bộ phận của cây từ phía người dân diễn ra trước đó nên số lượng cá thể Trà hoa vàng trong Vườn còn rất ít nên việc lựa chọn ra một phương pháp nhân giống tối ưu các loài Trà hoa vàng là rất cấp thiết. Vật liệu sử dụng trong giâm hom không đáp ứng đủ số lượng nên việc lựa chọn ra một phương pháp nhân giống tối ưu các loài Trà hoa vàng là rất cần thiết. Trong đó kỹ thuật nuôi cấy in vitro có ý nghĩa rất lớn trong công tác nhân giống: có thể nhân số lượng cây lớn trên quy mô công nghệp, sản phẩm sạch bệnh và có tính đồng nhất về hệ số di truyền và hệ số nhân giống (Vũ Văn Vụ và cộng sự, 2009).

Việc  nhân giống cây Trà hoa vàng Tam Đảo bằng kỹ thuật nuôi cấy mô đã được nghiên cứu thành công. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sát trùng bề mặt bằng cồn 700 trong 2 phút, khử trùng bằng dung dịch HgCl2 0,1% trong 13 phút và nuôi cấy trên môi trường khởi đầu WPM bổ sung 0,2 mg/l BAP và 30 g/l sucrose, cho tỷ lệ mẫu sạch nảy chồi 86% sau 21 ngày nuôi cấy. Cảm ứng tạo đa chồi trên môi trường WPM bổ sung 0,3 mg/l BAP, 0,2 mg/l Kinetin, 30 g/l đường sucrose và 100 ml/l nước dừa cho tỷ lệ mẫu tái sinh chồi và hệ số nhân chồi đạt cao nhất (95,55% và 4,33). Chồi ra rễ đạt 88,89%, số rễ trung bình 3,67 rễ/cây và chiều dài rễ trung bình 3,17 cm trên môi trường WPM bổ sung 0,2 mg/l IBA, 0,2 mg/l NAA, 30 g/l sucrose và 100 ml/l nước dừa sau 6 tuần nuôi cấy. Quy trình vi nhân giống này có thể áp dụng để sản xuất hàng loạt cây giống Trà hoa vàng chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu nguồn cây giống Trà hoa vàng hiện này. 

lntrang
Theo Tạp Chí Khoa học và Công nghệ Lâm nghiệp số 4-2017
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Xã hội-Nhân văn  
   

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->