Hội thảo với sự tham dự của hơn 80 đại biểu là lãnh đạo Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Văn phòng Quốc hội, Tổng Cục Kiểm lâm - Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng Cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện Ban Quản lý Vườn Quốc gia Hoàng Liên – Lào Cai, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Vườn Quốc gia Bạch Mã – Thừa Thiên Huế, đại diện các Chi cục Kiểm lâm một số tỉnh, thành phố trong cả nước, đại diện các Sở, ngành TP.Cần Thơ.
Ông Phùng Đức Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phát biểu khai mạc hội thảo
Tại hội thảo, đại biểu tham dự đã được nghe tham luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về “Thực thi quy định pháp luật về bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ loài nguy cấp, quý hiếm trong hệ sinh thái rừng, các quy định trong Dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng sửa đổi”; tham luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường về “Hiện trạng quản lý, bảo vệ loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm và các đề xuất hoàn thiện trong Dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng sửa đổi”; báo cáo chuyên đề của Nhóm nghiên cứu, Dự án GIG về “Đánh giá tình hình bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ loài nguy cấp, quý hiếm cho việc sửa đổi pháp luật về Bảo vệ và phát triển rừng sửa đổi”; Tham luận của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Hoàng Liên về “Hoàn thiện bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ loài nguy cấp, quý hiếm cho việc sửa đổi pháp luật về Bảo vệ và phát triển rừng sửa đổi”; Tham luận của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng về “Một số vướng mắc trong việc áp dụng các quy định hiện hành của pháp luật về bảo vệ các loài động, thực vật nguy cấp quý hiếm tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng”; Tham luận của Chi cục Kiểm lâm Thừa thiên – Huế về “Quản lý bảo tồn động vật hoang dã tại Thừa thiên – Huế, thực trạng và những trở ngại”.
Cũng tại hội thảo, đại biểu tham dự hội thảo đã thảo luận và đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) và được nghe Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải trình về các ý kiến đã đóng góp.
Tài nguyên đa dạng sinh học nói chung và các loài động vật, thực vật hoang dã nói riêng mang lại nhiều giá trị vô cùng to lớn đối với sự phát triển của xã hội. Xét trên giá trị kinh tế trực tiếp, đó là những giá trị của các sản phẩm sinh vật mà được con người trực tiếp khai thác và sử dụng cho nhu cầu cuộc sống. Giá trị gián tiếp là những lợi ích do dịch vụ hệ sinh thái bao gồm điều hòa cung cấp nước và duy trì chất lượng nước, bảo vệ đất, điều hòa khí hậu và giáo dục, nghiên cứu khoa học. Việt Nam được xem là một trong những trung tâm đa dạng sinh học của thế giới với ghi nhận hơn 49.200 loài động vật, thực vật phân bố trong các hệ sinh thái khác nhau. Công tác bảo tồn các loài hoang dã trong thời gian qua đã đạt được một số thành tựu đáng kể như gia tăng, phục hồi một diện tích các hệ sinh thái được bảo vệ, phát triển mới nhiều loài có ý nghĩa về mặt khoa học và bảo tồn, phục hồi và phát triển nhiều nguồn gen quý. Tuy nhiên, theo thống kê số loài và số cá thể các loài hoang dã đang trên đà giảm mạnh, nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng rất cao. Việt Nam cũng từng bước nội luật hóa và hoàn thiên hệ thống pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã.
|