Trong những năm qua, Lâm Đồng là một trong những tỉnh đi tiên phong và nhận được nhiều hỗ trợ của các chương trình, dự án trong và ngoài nước trong nhiều hoạt động liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng, cụ thể như: hoạt động thử nghiệm chi trả DVMTR, thực hiện hoạt động chi trả DVMTR trên phạm vi toàn tỉnh đánh giá quản trị rừng có sự tham gia. Hiện tại, Lâm Đồng là một trong 6 tỉnh của cả nước đang triển khai thực hiện thí điểm chương trình REDD+. Mục tiêu của hoạt động là hạn chế tối đa mất rừng, suy thoái rừng và đảm bảo an toàn nhằm đạt được thành quả là nhận tiền chi trả từ REDD+.
Nghiên cứu do nhóm tác giả Trần Nam Thắng và Trần Thị Thu Hà - Trường Đại học Nông lâm Huế và Trường Đại học Lâm nghiệp thực hiện. Nghiên cứu sử dụng phương pháp tiếp cận có sự tham gia bao gồm: phỏng vấn người cung cấp thông tin chính, phỏng vấn hộ gia đình và thảo luận nhóm các bên liên quan.
Nghiên cứu cho thấy, hiện trạng mất rừng, suy thoái rừng, chuyển đổi sử dụng đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp và khai thác gỗ trái phép ở khu vực vẫn đang diễn ra. Tuy đa phần là vi phạm trên quy mô nhỏ, nhưng trải dài trên diện rộng, ngấm ngầm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về xã hội và môi trường.
Việc xâm lấn và chuyển đổi đất lâm nghiệp, khai thác gỗ trái phép có tác động xấu đến môi trường, xã hội là rất rõ ràng và rất đáng quan ngại. Người dân địa phương mất niềm tin vào việc thực thi chính sách, đặc biệt là trong việc không giải quyết, xử lý nghiêm và công bằng trong các vụ vi phạm khai thác gỗ trái phép và xâm lấn đất nông nghiệp, có hiện tượng bảo kê, bao che cho vi phạm là đầu nậu, lâm tặc. Người này thấy người khác làm được thì làm theo và đã xuất hiện mâu thuẫn trực tiếp giữa người dân và lực lượng tham gia quản lý bảo vệ rừng như: lâm tặc hành hung cán bộ quản lý bảo vệ rừng, trả thù cá nhân, chặt cà phê.
Áp lực về sinh kế và đất cho hoạt động sản xuất nông nghiệp là nguy cơ hàng đầu của mất rừng, suy thoái rừng và khai thác gỗ trái phép trên khu vực nghiên cứu.
Sự tham gia của người dân địa phương vào hoạt động quản lý bảo vệ rừng, cơ chế chia sẻ lợi ích và hưởng lợi đang còn nhiều bị động và chưa thật sự mang tính chất quyết định.
Cả 2 chương trinh REDD+ và FLEGT đều tìm thấy các điểm đáng quan tâm và cần có những động thái tích cực để giảm mất rừng, suy thoái rừng và chống khai thác gỗ trái phép. Việc đảm bảo an toàn xã hội và môi trường là ưu tiên hàng đầu của cả hai chương trình REDD+/FLEGT.
Việc phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau giữa hai chương trình REDD+/FLEGT là hoàn toàn khả thi và thể hiện rỏ ở hiện trạng, nguyên nhân và hệ thống giải pháp. Vấn đề là việc phối kết hợp làm sao cho hiệu quả, tránh chồng chéo và lãng phí nguồn lực trong quá trình thực hiện. |