Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (26/06/2017) ]
Khảo sát hiện trạng các nguồn vốn sinh kế của cộng đồng thủy sản tại vườn quốc gia Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau
Nghiên cứu do tác giả Nguyễn Thị Kim Quyên và Lê Thị Phương Trúc (Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ) thực hiện. Nghiên cứu được tiến hành tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau nhằm phân tích hiện trạng các nguồn vốn sinh kế của các nhóm cộng đồng thủy sản (N=126).

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 8 năm 2014 đến tháng 4 năm 2015 tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau (VQGMCM), huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Các tác giả đã tiến hành  thu thập thông qua phỏng vấn trực tiếp cán bộ quản lý Vườn Quốc gia và Chi cục Thủy sản Cà Mau nhằm có được thông tin chung về cộng đồng nuôi trồng và khai thác hải sản (KTHS). Đối tượng phỏng vấn là các hộ gia đình có tham gia vào hoạt động nuôi trồng và KTHS trong vùng nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu và cỡ mẫu được quyết định sau khi xem xét đề xuất của cán bộ quản lý dựa vào kiến thức quản lý và số liệu có sẵn về thủy sản tại vùng sao cho đảm bảo tính đại diện và có ý nghĩa thống kê. Có 126 hộ dân tại VQGMCM được phỏng vấn bằng bảng câu hỏi soạn sẵn bao gồm 33 hộ nuôi tôm rừng kết hợp, 30 hộ nuôi hàu lồng, 30 hộ nuôi nghêu và 33 hộ KTHS nhỏ lẻ. Cán bộ quản lý cũng được yêu cầu nêu ra các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức cho sinh kế cộng đồng thủy sản sử dụng cho phân tích SWOT sau này. Các hộ phỏng vấn được lựa chọn ngẫu nhiên từ danh sách được cung cấp bởi cán bộ quản lý.

Kết quả nghiên cứu cho thấy: Nguồn vốn tự nhiên bao gồm đất rừng và nguồn lợi thủy sản được cộng đồng sử dụng khá hiệu quả. Tuy nhân lực dồi dào và có kinh nghiệm (9,60±4,57 năm) nhưng có 30,3% hộ khai thác hải sản mù chữ. Khả năng tiếp cận nguồn vốn rất hạn chế nhất là nhóm nuôi hàu, nuôi nghêu trong khi 66,7% hộ khai thác phải vay nóng cho sản xuất. Các phương tiện vật chất và nhà ở có cải thiện nhưng còn 61,7% có mức độ kiên cố thấp. Nguồn vốn xã hội khá hiệu quả nhưng cơ sở hạ tầng và truyền thông cần được quan tâm hơn. Nhìn chung, cộng đồng nuôi hàu và nuôi tôm có sinh kế khá bền vững (256,6±92,58 và 85,1±38,3 triệu đồng/ hộ/năm), nuôi nghêu mang nhiều rủi ro còn khai thác rất kém bền vững (không có khoản tiết kiệm nào). Mức độ đa dạng sinh kế của cộng đồng thấp với 62,9 – 88,2% thu nhập từ một ngành chính. Các chiến lược sinh kế bền vững được chú trọng bao gồm dạy nghề, đa dạng đối tượng nuôi nhằm tạo đa dạng sinh kế và những hỗ trợ về mặt chính sách và cơ chế quản lý.

Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Trà Vinh, số 23, tháng 9 năm 2016.

Tạp chí Khoa học, Trường ĐH Trà Vinh, số 23, tháng 9 năm 2016 (pcmy)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->