Nông - Lâm - Ngư nghiệp
[ Đăng ngày (28/05/2017) ]
|
Nghiên cứu khả năng kháng nấm Colletotrichum gloeosporioides gây bệnh thán thư trên cây ớt (Capsicum frutescens L.) của chế phẩm oligochitosan - nano silica (SiO2)
|
|
Nghiên cứu do nhóm tác giả Phạm Đình Dũng, Đặng Hữu Nghĩa, Lê Thành Hưng (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh); Hoàng Đắc Hiệt (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Tp.HCM); Bùi Văn Lệ và Nguyễn Tiến Thắng (Viện Sinh học Nhiệt đới) cùng thực hiện.
|
Ảnh minh họa
Mục đích nhằm nghiên cứu hiệu ứng kích kháng nấm C. gloeosporioides trên cây ớt bằng chế phẩm nano silica sử dụng oligochitosan làm chất ổn định nhằm tiến tới ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm nông sản sạch, chất lượng cao.
Chế phẩm oligochitosan – nano silica có khối lượng phân tử (Mw) từ 4-6 kDa, hạt nano silica có kích thước từ 20-30 nm được sử dụng để nghiên cứu khả năng kháng nấm Colletotrichum gloeosporioides gây bệnh thán thư trên cây ớt (Capsicum frutescens L.). Quy trình trồng và chăm sóc được thực hiện theo Tiến bộ kỹ thuật trồng ớt cay trên giá thể trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt (TBKT 01-29:2016/BNNPTNT) của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao.
Kết quả khảo sát hiệu lực kháng nấm C. gloeosporioides trong điều kiện in vitro cho thấy trong khoảng nồng độ bổ sung chế phẩm từ 20 đến 80 ppm đều có tác dụng ức chế sự phát triển của tản nấm tương ứng 15,6 đến 67,2%. Kết quả khảo sát ảnh hưởng của oligochitosan – nano silica in vivo lên hàm lượng chlorophyll của cây ớt trồng trong điều kiện nhà màng ở nồng độ từ 20 đến 80 ppm đều cho kết quả vượt trội so với đối chứng và đạt kết quả tốt nhất ở nồng độ 60 ppm. Bên cạnh đó, kết quả còn cho thấy khi xử lý ở nồng độ 60 ppm không những có tác dụng gia tăng khả năng kháng bệnh của cây ớt từ 37,8 lên 88,8% mà còn làm giảm chỉ số bệnh từ 39,2 đến 13,7%. Chế phẩm oligochitosan – nano silica hứa hẹn sẽ là một sản phẩm công nghệ cao, an toàn và hiệu quả trong phòng trừ bệnh thán thư trên cây ớt do nấm C. gloeosporioides gây ra. |
Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Cần Thơ - Tập 48b, 2017 (pcmy)
|