Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (28/05/2017) ]
Ảnh hưởng của hỗn hợp dược liệu lên tăng trưởng, tỷ lệ sống và đáp ứng miễn dịch của tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) nuôi thâm canh trong bể
Nghiên cứu do nhóm tác giả Châu Tài Tảo, Hoàng Văn Lâm, Cao Mỹ Án và Trần Ngọc Hải (Khoa Thủy sản, Trường Đai học Cần Thơ; Công ty TNHH Một thành viên Sáu Sao) thực hiện nhằm tìm ra ảnh hưởng của hàm lượng hỗn hợp dược liệu lên tăng trưởng, tỷ lệ sống và đáp ứng miễn dịch của tôm thẻ chân trắng trong điều kiện thí nghiệm trên bể.

Ảnh minh họa

Tôm thẻ chân trắng giống có kích cỡ PL10 được mua từ Công ty tôm giống Việt Úc, có chất lượng tốt, được kiểm sạch bệnh MBV, đốm trắng, hội chứng gan tụy cấp. Tôm có trọng lượng 0,019 g và chiều dài 1,3 cm, bể nuôi tôm có thể tích 1 m3/bể, mỗi bể nuôi tôm kết hợp với bể lọc sinh học có thể tích 250 lít, nước được luân chuyển từ bể lọc sang bể nuôi và chảy lại bể lọc trong suốt quá trình nuôi, bể lọc sinh học có giá thể bằng đá 1x2, và được vận hành 15 ngày trước khi bố trí tôm Mật độ nuôi tôm 150con/m3, thời gian nuôi 3 tháng. Thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức với các hàm lượng hỗn hợp dược liệu khác nhau là (i) 20 mL/kg thức ăn, (ii) 40 mL/kg thức ăn, (iii) 60 mL/kg thức ăn và (iv) không bổ sung hỗn hợp dược liệu (đối chứng).


Kết quả sau 3 tháng nuôi, tôm ở nghiệm thức không bổ sung hỗn hợp dược liệu có khối lượng (11,8±1,1 g), chiều dài (12,2±0,5 cm) và năng suất (1.278±149 g/m3) đạt thấp nhất và khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) so với các nghiệm thức có bổ sung hỗn hợp dược liệu. Tỷ lệ sống của tôm cao nhất ở nghiệm thức bổ sung hỗn hợp dược liệu 20 mL/kg thức ăn (80,9±2,8 %) và thấp nhất ở nghiệm thức không bổ sung hỗn hợp dược liệu (72,2±8,4 %) nhưng khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05) giữa các nghiệm thức. Một số chỉ tiêu miễn dịch của tôm bao gồm tổng tế bào bạch cầu, bạch cầu có hạt và hoạt tính enzyme phenoloxidase (PO) ở nghiệm thức bổ sung hỗn hợp dược liệu 20 mL/kg thức ăn gia tăng khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) so với các nghiệm thức còn lại. Kết quả nghiên cứu cho thấy bổ sung hỗn hợp dược liệu ở mức 20 mL/kg thức ăn cho kết quả tốt nhất về tăng trưởng, tỷ lệ sống và miễn dịch của tôm.

Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Cần Thơ-Tập 48b, 2017 (pcmy)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->