Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (27/05/2017) ]
Mối quan hệ giữa các tầng và đặc tính chuẩn đoán đất thâm canh lúa ở ĐBSCL với hệ thống phân loại khả năng độ phì đất FCC
Nghiên cứu do nhóm tác giả Võ Quang Minh và Lê Quang Trí (Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ) thực hiện với mục tiêu chính là xác định được sự quan hệ của các tầng, vật liệu và đặc tính chẩn đoán từ hệ thống phân loại WRB với các đặc tính độ phì nhiêu, các trở ngại cho canh tác cùng các khuyến cáo sử dụng đất trên cơ sở độ phì của hệ thống FCC, mà các nhà làm công tác quản lý nông nghiệp và khuyến nông dễ dàng nhận biết được.

Ảnh minh họa 

Việc xác định được các mối quan hệ giữa các loại sa cấu tầng đất mặt (Type), dưới tầng đất mặt (Substrata Type) và các yếu tố bổ sung (Modifers) của hệ thống phân loại độ phì FCC (Sanchez, 2003) với các loại đất, tầng chẩn đoán, đặc tính chẩn đoán của các nhóm đất chính vùng ĐBSCL được phân loại theo hệ thống WRB thực hiện qua các bước:

- Xác định các định nghĩa và yêu cầu về các loại sa cấu tầng đất mặt, dưới tầng đất mặt và các đặc tính lý, hoá học và hình thái đất, các yếu tố bổ sung.

- Xác định các định nghĩa và yêu cầu về các đặc tính lý, hoá học, và hình thái của các tầng chẩn đoán, đặc tính chẩn đoán và vật liệu chẩn đoán của đất thâm canh lúa ở ĐBSCL đã được xác định ở phần trên.

- Xây dựng mối quan hệ giữa các yêu cầu và định nghĩa của các loại sa cấu tầng đất mặt, tầng đất dưới tầng đất mặt và các yếu tố bổ sung với các tầng chẩn đoán, đặc tính chẩn đoán, và vật liệu chẩn đoán của các loại đất trên vùng thâm canh lúa ở ĐBSCL. 

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có mối quan hệ giữa các yếu tố để phân loại độ phì của hệ thống FCC (Sanchez et al., 2003) với các tầng chẩn đoán, đặc tính chẩn đoán và vật liệu chẩn đoán được sử dụng để phân loại đất của hệ thống phân loại WRB (1998). Tuy nhiên, trên đất thâm canh lúa ở ĐBSCL, có một số đặc tính của cả hai hệ thống chưa cho thấy được mối quan hệ để có thể sử dụng xác định các điều kiện độ phì đất, đặc biệt là các đặc tính về sa cấu. 

Trong hệ thống phân loại độ phì đất FCC (Sanchez et al., 2003), một số yếu tố độ phì đất không được sử dụng để canh tác lúa, hoặc không xuất hiện trong điều kiện ở ĐBSCL. Cũng như một số đặc tính của các tầng chẩn đoán và đặc tính chẩn đoán không được sử dụng như các tầng chẩn đoán Mollic, Umbric, hoặc đặc tính Haplic, Eutric, chưa tìm thấy có mối quan hệ với các yếu tố bổ sung của hệ thống phân loại FCC. Ngoài ra, trong điều kiện đất thâm canh lúa ở ĐBSCL, một số yếu tố độ phì nhiêu đất của hệ thống FCC chưa đánh giá hoặc phân loại được đầy đủ các đặc tính độ phì đất thâm canh lúa vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, trong điều kiện thâm canh lúa ở ĐBSCL, còn có một số yếu tố độ phì khác ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng và năng suất của lúa chưa được đề nghị như là một yếu tố để phân loại và đánh giá độ phì đất thâm lúa như đặc tính về chất dinh dưỡng N, P, chất hữu cơ,... Do đó, cần thiết để nghiên cứu đề xuất một hệ thống hoặc các bổ sung cho hệ thống phân loại độ phì FCC phù hợp với điều kiện ĐBSCL.

Tạp chí Khoa học, Trường ĐHCT. Tập 48 phần B, năm 2017 (pcmy)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->