Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (12/05/2017) ]
Vĩnh Long: Đưa khoai mỡ xuống ruộng
Khoai mỡ tùy vào các vùng miền khác nhau còn được gọi là khoai tía, khoai tím, khoai vạc,... Khoai mỡ được dùng để chế biến nhiều món ăn quen thuộc như canh khoai tím, luộc, chiên, làm bánh rất ngon, mang lại khá nhiều lợi ích cho sức khỏe. Khoai mỡ được trồng làm cây lương thực ở khá nhiều nơi cho hiệu quả kinh tế cao. Khoai mỡ, khoai vạc, khoai tía gồm có hai loại là loại củ khoai ruột trắng và ruột tím.

Khoai mỡ có thể trồng quanh năm, thời vụ thích hợp nhất là trồng vào tháng 8 - 11 sẽ cho năng suất cao, củ khoai mỡ to mập mạp. Khoai mỡ, khoai vạc là cây trồng sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, có thể trồng hầu hết các loại đất kể cả đất phèn, đất sét, ....

Trồng lúa vụ đông xuân, sau đó xuống khoai mỡ, hoặc lúa vụ đông xuân – khoai mỡ - tranh thủ vụ cải trắng là cơ cấu cây trồng được nông dân ở xã Long Mỹ, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long thực hiện nhiều năm nay trên đất ruộng. Diện tích trồng tuy không nhiều (dao động trên dưới 15 ha/vụ) nhưng mô hình này ổn định gần 10 năm nay. Sự bền vững trong canh tác cộng với chất lượng ngon của sản phẩm nên nơi đây là điểm đặt mua khoai mỡ thường niên của các thương lái ở Long An, Cần Thơ. Mặc dù thời gian vụ trồng dài (khoảng 6 tháng) và chi phí đầu tư cao hơn so với các loại rau màu khác nhưng thu nhập từ cây khoai mỡ khá hấp dẫn. 

Như chú Nguyễn Văn Bồi, ấp Long Hòa 2, vụ này trồng 7 công, anh Nguyễn Văn Đức, cũng ở ấp này, trồng 5 công. Anh Đức cho biết, gia đình anh chọn và theo đuổi cây khoai mỡ nhiều năm nay là do đây là cây quen thuộc của địa phương, nhiều người trồng, thương lái đã biết đến nên dễ tiêu thụ, khi đến mùa thu hoạch là liên hệ qua điện thoại, cho ghe tới tận nhà mua; và quan trọng là ít rủi ro, nhẹ công chăm sóc, có lời khá so nhiều loại cây trồng khác, đối với lúa cùng vụ thì hơn gấp nhiều lần. Với giá bán từ 2.500 – 5.000 đồng/kg tùy thời điểm (bình quân 3.500 đồng/kg), một công khoai cho thu 8 – 9 triệu đồng, trừ chi phí khoảng 3 – 3,5 triệu tùy đất nhà hay đất thuê, còn lời 4,5 – 5,5 triệu.

Vài năm trở lại đây, nhờ sự chuyển giao kỹ thuật của các cán bộ nông nghiệp huyện nhà, kết hợp với kinh nghiệm đúc kết qua nhiều vụ trồng nên nông dân đã nắm vững qui trình canh tác. Bà con bón phân cân đối, hợp lý hơn, phòng trừ hiệu quả các đối tượng dịch hại hơn. Vì thế, năng suất cũng như chất lượng khoai đã tăng lên. Hướng dẫn chi tiết trồng khoai mỡ:

Bước 1: Chọn giống khoai mỡ

Chọn củ giống to già, không bị sâu, có thể xử lý sâu bệnh bằng cách phun thuốc Bassa, Aplau vào củ giống để diệt các mầm bệnh trên củ giống.
Dùng dao cắt mục tạo giống, sau khi cắt mục giống thì chấm mặt cắt của miếng khoai mỡ vào xi măng khô hoặc bột vôi để củ giống không bị thối.

Ủ mục giống:

Sau đó mục giống được đem đi ủ tro. Trải một lớp tro mỏng rồi xếp mục giống lên mặt tro, sau đó đổ thêm lớp tro phủ lên mục giống. Sau khi ủ 2 - 3 ngày thì tưới nước một lần, chú ý không tưới nhiều nước gây ẩm ướt sẽ khiến mục khoai bị thối, nhưng nếu quá khô sẽ khiến mục khoai lâu mọc mầm. Kiểm tra nếu mục khoai nào bị thối thì phải mang ra xử lý. Lưu ý trong giai đoạn ủ tro mục giống thường dễ bị sâu thối nên phun thuốc Validacin, Kasai, Kitazin, để ngăn ngừa nấm bệnh. Sau 20 - 30 ngày ủ tro thì mầm khoai mỡ sẽ mọc mầm khoảng 3 - 5cm, lúc này có thể mang đem ra trồng.

Bước 2: Trồng khoai mỡ

Trước khi trồng 10 ngày phải tiến hành làm đất, dọn sạch cỏ dại và bón lót vôi bột, phun thuốc cỏ, phơi ải để tiêu diệt mầm bệnh trong đất. Làm đất tơi xốp, lên liếp cao  25 - 30 cm, rãnh rộng 0,5m.

Dùng dao đào lỗ sâu 2 - 3 cm, cho lớp tro trấu xuống rồi đặt mầm khoai xuống dưới, chú ý đặt mầm khoai quay xuống đáy lỗ. Trồng mỗi mục giống cách nhau 60cm, mỗi hàng cách nhau 50cm. Sau khi trồng phủ lớp đất mỏng lên và phủ rơm rạ lên để giữ ẩm. Tiến hành tưới nước 2 ngày 1 lần.

Bước 3: Chăm sóc khoai mỡ

Khoai mỡ có khả năng tự sinh trưởng rất tốt mà không cần chăm bón nhiều, chỉ cần chú ý tưới nước vừa đủ cung cấp độ ẩm cho cây. Sau khi trồng mục giống 15 ngày thì nên tưới kali để khoai phát triển thân lá nhanh hơn.

Trồng khoai mỡ chủ yếu bón phân chuồng ủ mục kết hợp NPK bón theo 3 đợt. Giai đoạn sau khi trồng mục giống khoảng 1 tháng thì tiến hành bón phân chuồng hoại mục. Tiếp tục bón thêm 2 đợt tiếp theo, mỗi đợt cách nhau 1 tháng. 

Phòng trừ sâu bệnh:

Ở giai đoạn ủ tro khoai dễ bị tấn công bởi các loại nấm mốc gây hại mầm nên ta có thể phun vào tro các loại thuốc Validacin, Kasai, Kitazin... Ở giai đoạn ngoài đồng ruộng khoai bị tấn công bỡi sâu ăn lá, rêp sáp, bệnh bả trầu, bệnh vàng lá, đốm lá, bệnh mục đầu củ... Nhìn chung thì đối với cây khoai những loại sâu bệnh trên lá, trên thân tương đối dễ trị và ít thiệt hại về năng suất. Chỉ có hai loại sau đây là tương đối khó trị (1) côn trùng: rệp sáp trên củ và (2) bệnh mục đầu củ được xem là nguy hiểm nhất, thường gây thiệt hại đến năng suất.

a. Rệp sáp: là loại côn trùng gây hại nguy hiểm nhất trên cây khoai mỡ cả ấu trùng và thành trùng đều hút nhựa cây, ở củ làm cho củ khoai không lớn được. Mặt khác rệp sáp gây hại dưới mặt đất nên ta không thể kiểm soát được bằng thuốc hóa học. Ở các vùng chuyên canh trồng khoai mỡ rệp sáp thường xuất hiện sau một vài cơn mưa đầu mùa (tháng 3 – 4) và có khả năng lây lan rất nhanh. Xuất phát từ đó qua điều tra khảo sát cây ký chủ phụ của rệp sáp vào mùa nước lũ là: Trên cây cỏ mồm: nhận thấy những ổ rệp sáp trên bẹ lá và chính bà con nông dân lại đem cây có mồm này chất đống lại trên líp để làm lớp cỏ phủ líp sau này. Trên cây tràm cũng nhận thấy có những ở rệp sống cộng sinh với những đàn kiến hôi đen. Điều này rất có thể là sau khi trồng khoai kiến đã mang rệp sáp từ cây tràm xuống líp khoai. Từ đó kiến là môi giới lây lan cho rệp sáp, làm dịch hại diễn ra ngày càng mạnh và nhanh hơn.

b. Bệnh mục đầu củ: đây là bệnh được xem là nguy hiển nhất trên cây khoai mỡ, ngoài đồng ruộng bệnh làm giảm năng suất từ 10 – 80%. Sau đó bệnh tiếp tục phát triển hoăïc xâm nhập gây bệnh ngay trong thời gian bảo quản. Bệnh cũng thường xuất hiện sau một vài cơn mưa đầu mùa (tháng 3 – 4). Đã có nghiên cứu cho rằng nguyênnhân gây bệnh là do tuyến trùng pratylenchus sp. gây ra. Tuy nhiên nếu xét về triệu chứng bệnh lý thì vẫn còn có một số điểm chưa hợp lý.

Khi bệnh xuất hiện thì không biểu hiện một triệu chứng nào trên thân lá. Tuyến trùng là một động vật hạ đẳng ký sinh thuộc ngành giun tròn, tấn công cây trồng bằng cách chích hút dịch tế bào cây, men tiêu hóa, độc tố và các chất bài tiết của chúng thường tác động vào cây trồng gây ra những triệu chứng nhất định. Ví dụ tuyến trùng Dytylenchide sp đã làm cản trở sự sinh trưởng của khoai tây, hành tỏi... Tuyến trùng Meloidogyne sp gây nốt sưng trên rễ của nhiều loại cây trồng như thuốc lá, đậu tương, bầu bí, cây họ đậu về sau rễ cây bị thối rữa cây còi cọc kém phát triển lá úa vàng hoặc thân lá bị biến dạng.

Trên củ khoai, bệnh xuất hiện theo chiều hướng xác định vết bệnh từ đầu củ lan dần xuống giữa và cuối củ theo chiều dọc, sau đó bệnh tấn công từ vỏ củ vào bên trong thịt củ theo chiều ngang, nếu tuyến trùng thì sự tấn công có thể ở bất cứ điểm nào trên củ khoai mà chắc chắn sẽ không theo một chiều hướng nào nhất định cả.

Bước 4: Thu hoạch và bảo quản khoai mỡ

Thời gian để cây khoai mỡ trưởng thành và cho thu hoạch củ từ 5 - 6 tháng. Trước khi thu hoạch 1 tuần nên tưới thêm nước để đất mềm dễ thu hoạch. Cắt toàn bộ thân lá cách gốc 10 - 15 cm để củ khoai mỡ không bị trầy xước. Khi bảo quản khoai vạc cần chọn nơi khô mát.

dtnkhanh
Theo Thông tin Khuyến nông Việt Nam
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->